Ưu tiên phát triển cảng cửa ngõ quốc tế

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát triển các cảng cửa ngõ quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra trong chuyến đi kiểm tra, làm việc tại Hải Phòng sáng 4/11.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công trường xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).
Giai đoạn khởi động của dự án sẽ đầu tư xây dựng 2 bến tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp tải trọng 80.000 DWT, thông qua lượng hàng hoá từ 12,1-13,8 triệu tấn/năm. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), khởi công xây dựng tháng 5/2016 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018.
Hợp phần A do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với các hạng mục như tôn tạo, xử lý nền đất yếu, kè bảo vệ, tường chắn đất, bến công vụ, nạo vét luồng và vũng quay tàu. Nguồn vốn thực hiện dự án từ vốn vay ODA của Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe báo cáo về dự án di dời cảng Hoàng Diệu.
Hợp phần B do Tổng Công ty Tân Cảng và đối tác Nhật Bản làm chủ đầu tư gồm các hạng mục xây dựng mặt bãi, 2 bến cảng và nạo vét khu nước trước bến.
Theo báo cáo của chủ đầu tư và nhà thầu, cho đến thời điểm này, Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án, 10 gói thầu cũng đang được triển khai tích cực, đúng tiến độ.
Tại công trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu huy động phương tiện, nguồn lực đủ để bảo đảm đúng tiến độ xây dựng, thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công.
Phó Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã kiểm tra hoạt động khai thác tại cảng Hoàng Diệu. Đây là nơi chuyên xếp dỡ hàng hoá rời, hàng hóa tổng hợp. Được biết, trong đầu tư, khai thác cảng, các bến hàng tổng hợp là loại hình không mấy hấp dẫn với tư nhân do chi phí cao, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên đây lại là loại hình không thể thiếu do hàng hoá chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu rời cho sản xuất công nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên cảng vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Cảng Hoàng Diệu nói riêng, cảng Hải Phòng nói chung. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tập thể người lao động phát huy truyền thống, đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu bốc dỡ hàng hoá, góp phần hạ chi phí logistic, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Có lộ trình cụ thể để di dời cảng Hải Phòng
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo TP Hải Phòng đề nghị Chính phủ cho phép triển khai ngay thủ tục đầu tư các bến cảng tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) để có thể đáp ứng lượng hàng hóa thông qua cảng ngay càng lớn, với tốc độ trung bình khoảng 15%/năm.
Một nội dung nữa cũng được đề cập là việc di dời cảng Hoàng Diệu. Theo kế hoạch, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi kết nối khu trung tâm thành phố cũ với Trung tâm hành chính mới Bắc sông Cấm, mở ra hướng phát triển đô thị mới về phía bắc của Thành phố. Khi thi công hai cầu này, các bến cảng khu vực Hoàng Diệu - Lê Thánh Tông sẽ bị thu hồi hoặc ảnh hưởng. Trong khi đó, theo quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng thì toàn bộ khu vực cảng hiện tại sẽ dành cho xây dựng công trình công cộng, cây xanh. Tại cuộc họp, UBND TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để sớm di dời các bến cảng trước khi thực hiện đầu tư, xây dựng hai cây cầu này.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc ưu tiên phát triển cảng biển được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, tự nhiên để hiện đại hoá, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển cảng biển gắn liền với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Do đó, yêu cầu đặt ra là phát triển hợp lý các cảng trung chuyển, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng quốc gia với các địa phương. Bên cạnh đó, phải phát triển đồng bộ các hệ thống sau cảng như giao thông, kho bãi, dịch vụ… việc phát triển cảng đi đối với bảo vệ môi trường.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phát triển cảng biển tại Việt Nam thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất là sự thiếu đồng bộ của hệ thống cảng, trong nội bộ cảng, giữa cảng với các dịch vụ sau cảng, với các yếu tố trước cảng như luồng lạch, công nghệ, hệ thống kỹ thuật. Bên cạnh đó là chất lượng dịch vụ thấp, thiếu các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển cảng biển. Theo đó sẽ xây dựng hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng trung chuyển, cảng khu vực, cảng địa phương, cảng chuyên dùng với mục tiêu năm 2016 đạt khoảng 500 triệu tấn bốc dỡ, 2020 khoảng 6-700 triệu tấn bốc dỡ, tốc độ tăng trưởng 7-10%/năm.
Trong thời gian trước mắt, sẽ tập trung xây dựng các cảng cửa ngõ quốc tế bởi những cảng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện tại đã đầu tư cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện ở Hải Phòng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đóng vai trò tương tự ở phía bắc. Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung phát triển nhóm cảng biển Hải Phòng để đáp ứng được vị trí như quy hoạch đã được phê duyệt.
“Bộ Giao thông vận tải tập trung thực hiện đầu tư, xây dựng cảnh Lạch Huyện, đồng thời đầu tư nâng cấp các cảng thuộc khu vực này để bảo đảm cảng có kĩ thuật, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng với Hải Phòng có kế hoạch cụ thể để di dời những địa điểm cảng đã không còn phù hợp với thực tiễn, quy hoạch và yêu cầu phát triển đô thị. “Việc di dời cảng phải có lộ trình, bước đi cụ thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kết nối, kho bãi, đường bộ, đường sắt; nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý cảng, bảo đảm cạnh tranh quốc tế. Yêu cầu Bộ Công Thương có dự báo về hàng hoá, định hình cơ cấu đầu tư phù hợp, với từng loại hình bốc dỡ. Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện quy định về đầu tư xây dựng, cơ chế về thuế, phí... tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN. Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, từ quy hoạch đến triển khai xây dựng, khắc phục thất thoát lãng phí, bảo đảm chất lượng.
Về cơ chế quản lý cảng, Phó Thủ tướng đề nghị cần hướng tới xây dựng ban quản lý cảng, tương tự như ban quản lý khu công nghiệp. Ban quản lý này sẽ như một “nhạc trưởng” điều phối quá trình đầu tư các dự án trong khu cảng, khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện kiểm tra, thanh tra, cấp phép.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần