Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủy ban Dân tộc băn khoăn về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến “Nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện, Ủy ban Dân tộc đã có ý kiến tham góp.

Một góc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa.
Theo Ủy ban Dân tộc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 12 dân tộc thiểu số với hơn 1,4 triệu đồng bào (chiếm khoảng 0,8% tổng dân số hiện có toàn vùng). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 17% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 14%.
Do đó, trong nhiệm vụ quy hoạch chung, cần thiết phải bổ sung đánh giá hiện trạng, nguyên nhân và định hướng ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với mục tiêu tích hợp các chính sách của Đảng, Nhà nước trong các văn kiện, các chương trình, chính sách dân tộc.
Ở một khía cạnh khác, Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, hiện nay, các tỉnh thành trên toàn quốc, đặc biệt là các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang trong quá trình lập quy hoạch cấp tỉnh. Vì vậy, quy hoạch vùng giai đoạn 2021 - 2030 cần hoàn thành sớm để các tỉnh thành trong khu vực làm căn cứ xây dựng quy hoạch riêng.
Đáng chú ý, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhìn nhận, tầm nhìn của quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 sẽ là căn cứ để các tỉnh thành trong vùng xác định tầm nhìn riêng. Bên cạnh đó, vấn đề tầm nhìn không đơn thuần là tập hợp các xu hướng, các dự đoán mà còn thể hiện ý chí chủ quan của các chủ thể trong việc nắm bắt tương lai phát triển.
Đặt câu hỏi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng “Việc xác định tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên luận cứ khoa học như thế nào?”, đại diện Ủy ban Dân tộc khuyến nghị quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải mở và có biên độ. Cùng với đó, cần có phương án, kịch bản thích hợp trong mọi tình huống, nhằm tránh bị động trong tương lai.