Theo Tờ trình, Đề án này nhằm cải thiện dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Mục tiêu đến năm 2020, 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng; trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học toàn thành phố được uống sữa; giảm tỷ lệ trẻ mẫu giáo và tiểu học suy dinh dưỡng xuống dưới 5,5%… Kinh phí để thực hiện Đề án dự kiến hơn 4,1 nghìn tỷ đồng, trong đó: 30% ngân sách Nhà nước; 20% doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ; 50% do phụ huynh đóng góp.
9 ý kiến phát biểu tại hội nghị đều cơ bản đồng ý về đối tượng thụ hưởng nhưng kiến nghị cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với thể trạng của trẻ. Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng sữa, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn dinh dưỡng, công tác bảo quản… và kiến nghị trong Đề án phải nêu rõ trách nhiệm của Sở Y tế về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng cần giảm mức đóng góp phụ huynh, nâng mức hỗ trợ của doanh nghiệp nhưng vẫn cần có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp sữa tham gia chương trình này.