Chiều nay (16/3), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 34 theo hình thức trực tuyến để xem xét các nội dung: Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy thuộc TP Hà Nội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp. Dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan. Đại diện TP Hà Nội dự Phiên họp có: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn.
Tại đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức trình bày Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy thuộc TP Hà Nội. Theo đó, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 8 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân thuộc địa giới hành chính phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm) về phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) và điều chỉnh 1 tổ dân phố (tổ 28 tập thể Bệnh viện 19/8 thuộc địa giới hành chính phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Việc Chính phủ, chính quyền TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính nêu trên xuất phát từ việc, theo Bản đồ và hồ sơ địa giới hành chính 364 thì 8 tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân (tổ 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) tuy thuộc địa giới hành chính phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), nhưng toàn bộ cư dân thuộc 8 tổ này đều đăng ký hộ khẩu thường trú và thực hiện mọi giao dịch hành chính, dân sự tại phường Nghĩa Tân.
Thảo luận về Tờ trình trên, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dù việc quản lý dân cư nằm ngoài địa giới hành chính trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm thuộc TP Hà Nội thời gian qua là chưa đúng với nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước, chưa phù hợp quy định của pháp luật về quản lý dân cư, quản lý đất đai, nhưng đây là vấn đề do lịch sử để lại, đã kéo dài nhiều năm, cần có giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là mong muốn, nguyện vọng của người dân và bảo đảm tính ổn định trong quản lý hành chính, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tán thành với phương án của Chính phủ đề nghị UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính tại các khu vực có liên quan để tránh ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống Nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Triển khai thực hiện nội dung này, các cấp, các ngành và chính quyền TP Hà Nội đã tính toán nhiều phía, đảm bảo các quy định của pháp luật. Thời hạn được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thống nhất từ ngày 1/7/2021 nội dung này có hiệu lực là rất phù hợp, khi mọi công việc liên quan đến bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành. Chính quyền và Nhân dân, cử tri TP Hà Nội rất mong Ủy ban Pháp luật Quốc hội tạo điều kiện cho TP để khi Nghị quyết được thông qua sẽ sớm được triển khai đạt được hiệu quả cao nhất.
Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Các ý kiến tại Phiên họp thể hiện nhất trí cần sớm hoàn thiện báo cáo thẩm tra này, báo cáo Thường vụ Quốc hội sớm nhất có thể, để xem xét thông qua Nghị quyết về vấn đề này, thống nhất có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Từ đó, đề nghị chính quyền TP Hà Nội quan tâm giải quyết đồng bộ, dứt điểm những vấn đề liên quan để trên địa bàn không còn tình trạng chồng chéo về quản lý; phối hợp Bộ Nội vụ rà soát, làm rõ những vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra và tiếp thu ý kiến tại Phiên họp này.