Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận quy trình lấy phiếu tín nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên thảo luận.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo dự thảo Nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán nhà nước (tổng số là 49 người).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận quy trình lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 1

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các uỷ viên của Hội đồng, Uỷ ban (tổng số là 380 người, trong đó mỗi Ủy ban có từ 30-50 thành viên).

Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân (2 - 3 người), Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân (2 - 4 người); Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân (3-13 người).

Các Ban của Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban (gồm từ 2 đến 4 ban, mỗi ban có từ 5-15 người).

Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội; các Ban của Hội đồng nhân dân có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực Hội đồng nhân dân để tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp mình. Quốc hội, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo đề nghị quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hằng năm theo tinh thần của Nghị quyết trung ương 4.

Sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức vụ cụ thể để xem xét, xử lý theo quy trình công tác cán bộ.

Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Đối với người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm để người giữ chức vụ nỗ lực hơn nữa

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Ủy ban trình bày nhất trí với việc sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cũng như việc sử dụng kết quả lấy phiếu để đánh giá tín nhiệm cán bộ.

Về phạm vi điều chỉnh, các ý kiến thảo luận đề nghị cần tách rõ đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, quan điểm của đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình.

Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu đánh giá quá thường xuyên dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại đổi mới, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong công việc.

Về việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Việc quy định 2 năm liên tiếp như vậy là hợp lý để người mà năm đầu tiên có tín nhiệm thấp có thời gian và cơ hội để cải tổ, khắc phục những yếu kém, bất cập trong công việc; nếu đến năm thứ hai mà vẫn không sửa chữa được thì mới bị đưa ra để xem xét “bỏ phiếu tín nhiệm”.

Đồng thời, đối với trường hợp ngay lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm mà mức độ tín nhiệm quá thấp (có trên hai phần ba số phiếu “tín nhiệm thấp”) thì sẽ đưa ra để xem xét “bỏ phiếu tín nhiệm” ngay, không cần phải đợi kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc xác định đối tượng lấy phiếu thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, có phân cấp phù hợp. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm là hình thức thăm dò, nếu quá thấp thì bỏ phiếu tín nhiệm ngay, nếu 2 năm liên tiếp không cao, có thể xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm như quy định hiện nay cũng sẽ được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, thống nhất hơn.

* Cũng trong chiều nay, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung của dự án Luật Thủ đô. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình của Chính phủ. Tham dự phiên họp có lãnh đạo Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần