Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Uỷ quyền công chứng: Lợi bất cập hại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Luật Công chứng có hiệu lực thi hành từ năm 2007, tuy nhiên khi thực thi thì việc uỷ quyền công chứng đã gây khó cho người uỷ quyền và người được uỷ quyền.

KTĐT - Luật Công chứng có hiệu lực thi hành từ năm 2007, tuy nhiên khi thực thi thì việc uỷ quyền công chứng đã gây khó cho người uỷ quyền và người được uỷ quyền.

Huỷ uỷ quyền công chứng được thực hiện theo Luật Dân sự hay Luật Công chứng, bởi một số điều khoản trong hai luật lại vênh nhau.

Người được uỷ quyền nắm đằng chuôi

Ông Nguyễn Văn Hoàng hốt hoảng tìm đến toà soạn, theo hướng dẫn của luật sư qua Tổng đài 1080 thì có lẽ ông sẽ mất trắng số tiền trên 2 tỉ đồng mà ông đã mua lại căn hộ 72m2. Theo tư vấn của luật sư (LS) thì người uỷ quyền (UQ) được quyền huỷ bỏ hợp đồng UQ công chứng, trong khi người UQ không chịu cung cấp cho ông các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất (GCN).

Ông Hoàng cho hay, theo tư vấn của LS thì giấy viết tay mua bán giữa hai người không được công nhận về tính pháp lý. Những người "hàng xóm" của ông Hoàng đã cung cấp cho chúng tôi 5 bản hợp đồng uỷ quyền (HĐUQ) được công chứng thì cả 5 bản có nội dung "mỗi bản một ý", người được UQ không biết đâu mà lần.

Về bản HĐUQ của ông Hoàng thì ghi thời hạn UQ là 10 năm, còn bản HĐUQ của ông Phạm Văn Đức thì lại ghi thời hạn là đến khi làm xong thủ tục cấp GCN. Bản HĐUQ của bà Trần Thị Nga lại "thòng" thêm câu: "Thời hạn UQ là kể từ ngày ký giấy UQ này cho đến khi hoàn thành việc xây dựng căn hộ nói trên và chính thức bàn giao giấy tờ sở hữu cho người chủ mới hợp pháp". Bản HĐUQ của ông Nguyễn Cảnh Khang thì lại được quyền cả bán và cho thuê.

Theo phản ánh của người dân thì việc thực hiện HĐUQ công chứng hoàn toàn mới mẻ với người dân, nội dung bản hợp đồng người UQ và người được UQ đều "phó mặc" cho công chứng viên soạn thảo.

Ông Hoàng nói: "Chúng tôi có biết Luật Công chứng thế nào đâu, nên khi nghe công chứng đọc nội dung thấy cũng không có gì vướng mắc nên ký ngay, chỉ đến khi bà con tập hợp giấy tờ để làm thủ tục cấp GCN thì mới thấy mỗi hợp đồng một vẻ. Bất lợi thuộc về người được UQ".

Theo nội dung của bản HĐUQ thì người UQ cam đoan cung cấp các giấy tờ liên quan để người được UQ thực hiện các công việc được UQ. Tuy nhiên trong thực tế, sau khi mua bán "tiền trao, cháo múc" thì người được UQ lại phải "nắm dao đằng lưỡi" vì người UQ gây khó dễ khi cung cấp các giấy tờ liên quan để bên được UQ làm thủ tục cấp GCN. Có bản HĐUQ thì công chứng viên không ghi điều khoản này mà chỉ vắn tắt ghi: " Liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xin cấp GCN liên quan đến căn hộ".

Với "cam kết" đã được công chứng như vậy thì người được UQ không thể yêu cầu người UQ cung cấp các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cấp GCN. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các phòng công chứng thì HĐUQ chủ yếu thực hiện đối với đối tượng mua - bán tại các khu đô thị, rất hãn hữu UQ tài sản trong nội bộ gia đình.

Rối như canh hẹ

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho hay, chỉ đến khi đi làm thủ tục cấp GCN căn hộ, mới thấy UQ công chứng lợi bất cập hại. Tại hợp đồng UQ, người UQ và người được UQ đều phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân như hộ khẩu, giấy CMND với công chứng viên. Sau khi xem bản chính, công chứng viên còn photocopy lưu lại, thế nhưng khi tiến hành làm thủ tục cấp GCN thì cán bộ địa chính lại yêu cầu đủ điều, như giấy CMND, hộ khẩu đều phải sao y bản chính của UBND, không chấp nhận bản photocopy.

Người được UQ lại lâm vào "con đường khổ ải" khi người UQ gây khó không cấp giấy tờ như cán bộ địa chính yêu cầu, bởi lẽ họ đã trình công chứng viên như vậy số CMND cũng như hộ khẩu đều đã được công chứng, vậy tại sao cán bộ địa chính lại cho mình có quyền cao hơn khi đã được Nhà nước công chứng.

Chưa hết khó, ông Hoàng trình bày tiếp: Người UQ và được UQ đã được công chứng viên chứng nhận tính pháp lý khi hai bên thực hiện UQ, thế nhưng cán bộ địa chính lại viện thêm cả Luật Hôn nhân gia đình khi làm thủ tục cấp GCN, họ đòi hỏi phải lập lại công chứng UQ vì trong bản hợp đồng thiếu tên vợ hoặc chồng người UQ, vì tài sản của vợ chồng là tài sản chung, nếu là tài sản riêng thì phải có giấy từ chối tài sản đó. Hầu hết HĐUQ công chứng thực tế là hợp đồng mua - bán, nhưng vì chưa có GCN nên không thể hợp đồng mua - bán công chứng, đành phải thực hiện UQ công chứng.

Theo LS Nguyễn Hải Đăng (Hà Nội) thì HĐUQ công chứng đang bị lạm dụng. Theo Luật Dân sự thì người UQ có quyền đơn phương chấm dứt HĐUQ, nhưng theo Luật Công chứng thì người UQ không thể đơn phương chấm dứt HĐUQ, nếu có sự tranh chấp của hai bên thì phải ra toà giải quyết. Luật vênh nhau, người dân khó thực thi để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.