70 năm giải phóng Thủ đô

Va chạm nhỏ, 23 trai làng lĩnh án

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ vì một va chạm không liên quan đến nạn nhân nhưng sẵn sàng giở tính côn đồ, hại tính mạng người khác, 23 thanh niên đã phải nhận hình phạt nghiêm minh do hành động thiếu suy nghĩ của mình.

Dẫn giải các bị cáo đến xét xử tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
Dẫn giải các bị cáo đến xét xử tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
Ngày 7/12 vừa qua, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử Phùng Văn Thanh và đồng phạm (cùng trú tại thôn Tòng Lệnh, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì) về tội "Giết người" và "Gây rối trật tự công cộng". Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 8 bị cáo mức án từ 12 - 18 năm tù về tội "Giết người", 15 bị cáo "Gây rối trật tự công cộng" nhận hình phạt 10 - 22 tháng tù. Bản án là lời cảnh tỉnh một bộ phận giới trẻ thiếu hiểu biết pháp luật, thích thể hiện cái tôi bản thân.

Hành hung người vô cớ

Khoảng 21 giờ ngày 31/1/2014 (tối mùng 1 Tết âm lịch), Phùng Văn Thanh (SN 1993), Nguyễn Duy Khương (SN 1995), Lương Ngọc Tú (SN 1994), Nguyễn Xuân Thọ (SN 1996), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1996), Phùng Văn Tâm (SN 1994), Hoàng Văn Thắng (SN 1995), Nguyễn Xuân Trường (SN 1994) cùng một số bạn bè đi trượt patin tại quán của anh Trần Đăng Quang, thôn Tòng Lệnh. Tại đây, Thanh đã gây sự, tát một thanh niên người địa phương. Xô xát xảy ra, song chủ quán đã kịp thời can thiệp nên không gây hậu quả. Chán chơi patin, Thanh kéo cả nhóm đi hát tại một quán karaoke gần đó. Nhưng nỗi cay cú về chuyện lúc trước vẫn chưa nguôi, nên Thanh nảy sinh ý định quay lại quán patin để tìm đánh nhóm thanh niên đã xô xát. Thanh gọi điện cho hàng chục bạn bè ở trong làng đến giúp sức, trong đó có Lương Văn Du, Lương Tuấn Thành và Nguyễn Phi Hùng (cùng SN 1995). Chưa hết, Thanh còn bảo cả nhóm chuẩn bị tuýp sắt, gậy gỗ, gạch đá để làm hung khí đánh người. Đến gần quán patin, cả nhóm dừng lại tìm chỗ phục kích. Thanh phân công Nguyễn Duy Khương đi kiểm tra số thanh niên lúc trước còn ở chỗ cũ hay không và nếu họ đi về thì gọi điện báo để nhóm Thanh chặn đánh trên đường. Mặc dù nhận được điện thoại của Khương thông báo đối phương đã ra về từ trước và ở quán patin chỉ còn tốp thanh niên khác không liên quan, thế nhưng Thanh vẫn hạ lệnh “đánh hết”.

Khoảng 21 giờ 30, anh Nguyễn Duy Phương (SN 1996, thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, Ba Vì) cùng 4 người bạn rời quán patin ra về liền bị Khương đi xe máy bám theo. Đến đoạn đường mà đồng bọn đang phục kích, Khương vọt lên phía trước, báo hiệu cho hàng chục đối tượng ở thôn Tòng Lệnh lao ra đánh người. Bất ngờ bị số đông tấn công phủ đầu, anh Phương và 4 người bạn đi cùng quá hoảng sợ, bỏ chạy mỗi người một ngả. Trong lúc các bạn bị hàng chục đối tượng chia thành từng tốp quây đánh túi bụi thì anh Phương chạy được ra khu vực hồ Tây Ninh (xã Tòng Bạt). Tại đây, do sơ ý và không thuộc đường nên anh Phương đã ngã xuống hồ và bị Lương Văn Du, Phùng Văn Tâm, Nguyễn Văn Long, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Phi Hùng và Lương Tuấn Thành đứng trên bờ dùng gạch đá ném tới tấp, bất chấp nạn nhân đang “thập tử nhất sinh” do đuối sức và lạnh cóng. Các đối tượng bỏ mặc nạn nhân chìm dần xuống hồ và hùng hổ định đi tìm nhóm bạn anh Phương để đánh tiếp. Du là người đi sau, loáng thoáng nghe tiếng anh Phương kêu cứu nên gọi đồng bọn quay lại dùng đèn pin soi trên mặt hồ nhưng không thấy anh Phương đâu, đoán biết anh Phương đã chết đuối nên các đối tượng bỏ đi. Anh Phương đã tử vong sau đó. Kết quả giám định pháp y xác định, hình ảnh vi thể của phổi phù hợp với tổn thương trong ngạt nước. Nguyên nhân anh Phương chết được kết luận do ngạt nước.

Tại Cơ quan điều tra, các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên. Đối với hành vi hành hung và đập phá xe máy của nhóm đối tượng, các bạn anh Phương không đề nghị khám thương, không yêu cầu giám định thương tích cũng như bồi thường thiệt hại nên Cơ quan điều tra không giải quyết.

Bản án nghiêm khắc

Đánh giá tội phạm của các bị cáo, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định, hành vi của Thanh cùng đồng bọn là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội, thể hiện rõ tính côn đồ, coi thường sức khỏe, tính mạng người khác và đã cấu thành tội "Giết người" quy định tại điều 93 Bộ luật Hình sự. Trong đó, bị cáo Thanh giữ vai trò chủ mưu, bị cáo Khương giữ vai trò đồng phạm giúp sức trong tội "Giết người"...

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Bị cáo chủ mưu Phùng Văn Thanh dù không trực tiếp ra tay và tham gia vào việc dồn nạn nhân và ném đất, đá xuống hồ nhưng là người có hành vi khởi xướng nên phải chịu mức án tù cao nhất là 18 năm tù về tội "Giết người". Nguyễn Duy Khương giữ vai trò đồng phạm giết người chịu mức án 12 năm tù. Trực tiếp tấn công gây ra cái chết của nạn nhân là các đối tượng: Lương Văn Du (17 năm tù), Lương Tuấn Thành (14 năm tù), Nguyễn Phi Hùng (14 năm tù), Nguyễn Văn Long (9 năm tù), Hoàng Văn Thắng (14 năm tù), Phùng Văn Tâm (14 năm tù), cùng về tội "Giết người". Liên quan đến vụ án, 15 đối tượng khác lần lượt bị kết án về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo Chu Văn Lực, Ngô Quang Tuấn, Chu Tuấn Anh cùng chịu án phạt 22 tháng 10 ngày tù. Bị cáo Phùng Đức Quang, Lương Ngọc Tú, Nguyễn Xuân Trường, Lương Thành Luân, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Chung, Phùng Công Thông, Lê Minh Sáng, Phạm Bá Đạt cùng lĩnh án 18 tháng tù. Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Xuân Thọ chịu hình phạt 12 tháng tù; riêng bị cáo Phùng Thế Quý do lúc phạm tội chưa đủ tuổi thành niên nên chịu mức án 10 tháng tù treo.

Cần xóa bỏ suy nghĩ lệch lạc

Các bị cáo đã phải chịu hình phạm đích đáng cho hành động côn đồ của mình. Tuy nhiên, theo Cơ quan cảnh sát điều tra, hiện nay, trong các dịp lễ, Tết vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến mâu thuẫn của giới trẻ. Các nhóm thanh niên thường tụ tập, rủ nhau đi chơi, sự hung hăng của tuổi trẻ sẽ tăng lên nếu có hiệu ứng đám đông. Chính vì thế, nhiều vụ án đau lòng được bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa các nhóm thanh niên trong việc bốc đồng đã xảy ra. Và với cách nghĩ không thể bị “sỉ nhục”, “xả thân vì bạn” là nhận thức và cách hành xử nguy hiểm của một bộ phận thanh niên, nhất là ở vùng nông thôn. Chỉ cần một người trong nhóm có mâu thuẫn với người khác là bọn chúng có thể ra tay “giúp bạn”… Từ những chuyện tưởng chừng đơn giản song đã gây ra các vụ việc nguy hiểm, thậm chí gây án mạng chết người như vụ việc nêu trên. Sự việc xảy ra ngoài sự bồng bột, không kiềm chế được bản thân còn có một nguyên nhân nữa đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Trong vụ án này, theo bản cáo trạng, quá trình điều tra xác định: Bị can chủ mưu Phùng Văn Thanh học đến lớp 6/12, tuy nhiên lại không biết đọc, biết viết, không có công ăn việc làm. Việc học được đến lớp 6 là do gia đình xin cho lên lớp (?!). Trong số các bị cáo còn lại, cũng quá nửa là không có việc làm ổn định. Đây là một tình trạng đáng lưu tâm đối với gia đình và toàn xã hội khi chưa có những biện pháp giáo dục, định hướng cho giới trẻ một cách đầy đủ.