Những tác phẩm có nghề
So với 48 phim tranh giải năm ngoái, số lượng phim tài liệu và phim truyện tranh tài giải "Búp sen Vàng" năm nay tăng đột biến với hơn 90 phim tài liệu và 10 phim truyện ngắn. Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 10 phim tài liệu và 5 phim truyện xuất sắc lọt vào danh sách đề cử giải. Các thành viên Ban Giám khảo, trong đó có đạo diễn 3 lần đoạt giải Oscar cho phim tài liệu Mark Jonathan Harris đã phải "nâng lên đặt xuống" nhiều lần mới chọn ra được 3 phim tài liệu và 3 phim truyện ngắn xuất sắc nhất để trình chiếu và trao giải.
Với chủ đề "Nơi sóng bắt đầu", những câu chuyện chân thực mà bình dị của cuộc sống đã được các nhà làm phim trẻ thể hiện trên màn ảnh một cách sinh động, có nghề. Nguyễn Ngọc Lê - tác giả phim "Mẹ ơi!" cho biết: "Người mẹ trong phim chính là cô ruột của tôi. Đó là người phụ nữ mạnh mẽ, chưa bao giờ hết niềm tin và hy vọng để con mình có một cuộc sống bình thường. Tôi hiểu rằng, tình yêu của một người mẹ luôn mạnh mẽ hơn mọi thứ. Cuộc sống không thể thiếu đi niềm hy vọng và sự nỗ lực, dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào. Tôi vui vì qua câu chuyện này có thể giúp người xem đồng cảm hơn với những số phận không may mắn và trân trọng những gì mình đang có". Những hình ảnh giàu cảm xúc như thế đã khiến giám khảo Nguyễn Thị Kim Hải phải thốt lên: "Búp sen Vàng có những bộ phim tài liệu đẹp như thơ". Không chỉ khai thác những đề tài quen thuộc về gia đình, bạn bè, trường lớp... việc các nhà làm phim trẻ hướng đến những thân phận nghèo khó, yếu thế đã để lại cho giám khảo NSƯT Lý Thái Dũng những cảm xúc khó quên. Anh chia sẻ: "Ấn tượng sâu sắc của tôi trong mùa giải năm nay là sự chia sẻ, cảm thông của tác giả với số phận của các nhân vật trong phim. Những người trẻ đã nhìn thấu những giá trị nhân văn và đầy ắp tình yêu thương"...
Điểm bắt đầu
Không phải ngẫu nhiên mà giới làm nghề nhìn nhận "Búp sen Vàng" là nơi phát hiện những nhà làm phim tương lai. Bởi như chia sẻ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: "Làm phim ngắn đã, đang và sẽ là một tấm giấy thông hành hữu hiệu dành cho các nhà làm phim trẻ, giúp họ bước chân vào con đường làm phim chuyên nghiệp. Rất nhiều nhà làm phim thành danh chọn phim ngắn để bắt đầu sự nghiệp, ngay cả tôi cũng thế. Giải thưởng "Búp sen Vàng" mấy năm qua đã làm rất tốt nhiệm vụ đó. Đây là cuộc thi duy nhất để các bạn trẻ có cơ hội thể hiện tài năng với lĩnh vực phim ngắn bởi các giải thưởng về phim trong nước đều không có giải dành cho hạng mục này". Tuy nhiên, người phụ trách Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - đơn vị tổ chức "Búp sen Vàng" vẫn trăn trở: "Năm 2014 là năm khó khăn nhất, nhưng các bạn trẻ tại TPD lại sản xuất được nhiều phim nhất (110 bộ phim, gấp đôi năm ngoái). Các nhà làm phim trẻ ở đây có kiến thức, nhiệt huyết, niềm say mê, chỉ thiếu mỗi… tiền".
Quả là qua 5 mùa giải, "Búp sen Vàng" đã trở thành điểm hẹn quan trọng nhất của cộng đồng các nhà làm phim trẻ không chuyên. Không ít bộ phim được đề cử ở giải thưởng này từng có cơ hội "xướng tên" ở nhiều lễ trao giải và chiếu tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Trong khi điện ảnh Việt thiếu hẳn một sân chơi cho thế hệ trẻ đam mê làm phim ngắn học nghề và khẳng định mình, thậm chí hổng hẳn một thế hệ những người làm nghề, thì TPD đã góp phần "vá" lỗ hổng đó. Chính từ TPD, những đạo diễn cá tính như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Bùi Kim Quy… đã nổi lên với cách làm phim độc lập, mới mẻ. Thế nên mùa giải năm nay, người ta vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào những tài năng mới của điện ảnh nước nhà.
Tác giả Lê Dung nhận giải Búp sen Vàng phim tài liệu “Bao giờ về”được khán giả yêu thích nhất. Ảnh: Hạnh Thùy
|
Tối 3/8, BTC đã trao 4 giải "Búp sen Vàng", ở hạng mục phim tài liệu giải BGK bình chọn thuộc về "Một ngày bình thường" của Duy Linh; giải khán giả bình chọn thuộc về "Bao giờ về" của Lê Dung; ở hạng mục phim truyện ngắn, giải BGK bình chọn là "Sắc màu dịu êm" của Nguyễn Trung Kiên, giải do khán giả bình chọn thuộc về "Hạt cam và con mèo vàng không tuổi" của Nguyễn Lê Hoàng Việt. Năm nay, TPD trao thêm giải cho học sinh cấp II làm phim xuất sắc nhất. |