Doanh nghiệp khó khăn
Theo ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, TP ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế như: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng ước đạt khoảng hơn 456.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%); Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 47,5%); Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%); Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 174.000 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); có 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ) …
Trương Tuấn Cường – Hiệp hội doanh nghiệp nhựa TP phản ánh, doanh nghiệp nhựa bị ảnh hưởng nặng do Covid-19. Các doanh nghiệp nhựa vốn dựa hoàn toàn vào xuất khẩu đã ngưng hoạt động, đã cho công nhân nghỉ việc dù là công nhân lành nghề. Một khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, khi có đơn hàng chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất vì thiếu công nhân. Đề nghị, cho doanh nghiệp vay tiền trả lương cơ bản cho công nhân, giữ được công nhân qua đại dịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Viettravel cho biết: “Tôi đại diện cho tiếng nói của hơn 100.000 doanh nghiệp ngành du lịch. Xin lỗi các đồng chí là tôi sẽ phát biểu thẳng thắn và hơi khó nghe”.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, ngành du lịch có 4 tiểu ngành, lữ hành, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ. Ngành lữ hành đã ngưng hoạt động, đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Trong quá trình dừng, phải giữ người lao động, người lao động, chất xám là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có nguồn thu, không có tiền trả lương phải đẩy lao động ra ngoài, không phải hàng ngàn, phải hàng chục ngàn... Để xây dựng được chất xám trong ngành du lịch cần nhiều thời gian nên doanh nghiệp cần được hỗ trợ để giữ lại chất xám người lao động. Các gói hỗ trợ rất khó tiếp cận, chỉ được tiếp cận trên tivi. Ngân hàng cần có tài sản thế chấp, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, ngân hàng không thể giải quyết. Viettravel chỉ còn 50 người/750 người.
“Có doanh nghiệp vận tải nhận được 14.000 tỷ hỗ trợ, tại sao du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn lại không nhận được đồng nào? Ngành vận tải hàng không bây giờ toàn những con số đau lòng, trước dịch mỗi ngày có 100.000 -150.000 người đến. Bây giờ, khách đến chỉ còn 800 người, máy bay nằm đất hết, khách không có, toàn bộ lực lượng lao động hàng không họ đi đâu, 11.000 lao động, nhìn như tù nhân, có cách nào giúp được không?”, ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt vấn đề.
Vaccine là ưu tiên hàng đầu
Trần Việt Anh – Công ty Nam Thái Sơn cho rằng: “Cần tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân khu công nghiệp (KCN). Việt Nam hiện nay là công xưởng sản xuất của thế giới, chiếm vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dịch bùng phát trong KCN là tín hiệu đáng ngại cho người mua hàng, các nhà nhập khẩu. Ở Bắc Giang dịch bùng phát trong KCN, chỉ 2 tuần thiệt hại 50.000 tỷ đồng. TP Thủ Đức, hàng trăm nghìn công nhân làm việc trong các KCN, khu công nghệ cao, phải ưu tiên hơn cho việc chích vaccine, tình trạng hiện nay đáng lo ngại phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nếu sản xuất trong các KCN bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các đơn hàng sẽ trở lại Trung Quốc. Chỉ riêng Hiệp hội doanh nghiệp, số lượng người lao động, người nhà... đã đăng ký chích vaccine lên đến 918.000 người. Doanh nghiệp cam kết tự chi trả, không cần hỗ trợ TP tài chính, chỉ cần hỗ trợ vaccine, kiểm định, đảm bảo pháp lý, an toàn... chúng tôi hàng ngày, hàng giờ đang chờ không biết đến bao giờ mới được chích vaccine?”
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí và điện cho biết, mối quan tâm số 1 hiện nay là vaccine, mối quan tâm số 2 là vaccine và số 3 cũng là vaccine.
Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, hiện nay kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng nhiều, làm không hết. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu hụt lao động do ảnh hưởng dịch bệnh. Doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay là có vaccine để chích cho công nhân nhằm đảm bảo ổn định sản xuất. Đề nghị Bộ Y tế thêm nhóm đối tượng công nhân ngành dệt may vào nhóm nguy cơ cao, ưu tiên chích vaccine.
Trương Tuấn Cường – Hiệp hội doanh nghiệp nhựa TP kiến nghị, cho phép doanh nghiệp tiếp cận liên hệ mua vaccine để chích cho công nhân. Chỉ cần một công nhân bị nhiễm bệnh là phải ngưng hoạt động, rất là khó khăn.
Trước sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề vaccine, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành uỷ thông tin: “Sáng nay tôi có gọi cho Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề vaccine. Mục tiêu của TP tiêm vaccine toàn dân, tuy nhiên hiện nay nguồn vaccine ít nên phải có thứ tự ưu tiên. Chính phủ mở rộng cho doanh nghiệp tiếp cận vaccine, Bộ y tế kiểm tra, kiểm định. Vấn đề hiện nay là rất khó tiếp cận nguồn vaccine, nếu doanh nghiệp có nguồn thì báo thẳng UBND TP. Vấn đề tiền cỡ nào cũng có nguồn đáp ứng được khi có vaccine. Nguồn cung vaccine không đáp ứng cầu, kênh chính hạn chế, kênh phụ không biết thế nào”.
Ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP cho biết: “Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19, đang triển khai mua vaccine để tiêm cho người dân. TP lập tổ công tác vaccine, mục tiêu tiêm toàn bộ người dân TP. TP đã đàm phán với đơn vị cung cấp vaccine Moderna. Vấn đề hiện nay là nguồn cung không đủ, phải có lộ trình thực hiện. Phải xác định với nhau vaccine là giải pháp căn cơ lâu dài, chiến lược để thoát khỏi dịch Covid -19”.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, TP hiện nay đang xây dựng các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó có các gói về miễn, giảm thuế, giãn nộp tiền sử dụng đất, thuê đất, cho vay với lãi suất bằng 0 để doanh nghiệp trả lương công nhân...
Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chân thành tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, trong thẩm quyền của NHNN TP Hồ Chí Minh ghi nhận và kiến nghị NHNN giải quyết. Hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm của ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng đủ cơ chế và đủ nguồn lực để làm. Thông tư 03 cho phép thực hiện các khoản vay; đối với các khoản vay có nghĩa vụ trả gốc và lãi được cơ cấu lại nợ không chuyển nhóm nợ; miễn giảm lãi vay doanh nghiệp khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2021 có 1 triệu tỷ dư nợ được hưởng lợi cơ chế này, 500.000 khách hàng vay vốn.
Về vấn đề lãi suất, theo đại diện NHNN cho biết, cơ chế lãi suất cho vay ngân hàng thực hiện lãi suất thỏa thuận. Hiện nay, để hỗ trợ, NHNN có quy định trần lãi suất cho vay 5 nhóm ưu tiên là 4,5%/năm, tương đương bằng lãi suất cho vay ngoại tệ, được doanh nghiệp đánh giá cao. Các lĩnh vực khác 5-7%/năm; dài hạn 7-9%/năm...
Đại diện Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP cho biết, người lao động mất việc, ngừng việc gặp khó khăn (42.500 công nhân), TP sẽ hỗ trợ một lần 3 triệu đồng. Với điều kiện ngưng việc 30 ngày trở lên, phải có đóng bảo hiểm xã hội. TP cũng có một gói trị giá 170 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay trả lương cho công nhân với lãi suất bằng 0.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP sẽ hệ thống hóa lại các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, xác định lại giải pháp hỗ trợ. TP sẽ báo cáo Hội đồng Nhân dân TP các gói hỗ trợ, các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, TP sẽ hệ thống lại và kiến nghị Chính phủ giải quyết, nếu cần thì TP sẽ làm việc trực tiếp với Chính phủ.