Vải thiều vào mùa, nhắm đích tiêu thụ nội địa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 5, vải thiều đầu mùa đã bắt đầu được bày bán tại Hà Nội. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, kế hoạch tiêu thụ vải thiều theo hướng chú trọng thị trường nội địa đang được các cơ quan và nhà vườn tập trung triển khai.

Vải thiều "ngon, xịn, mịn" cháy hàng

Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, hiện vải thiều chín sớm có giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Nhiều người tiêu dùng cho biết, đây là vải đầu mùa ngọt thanh, pha chút chua chứ không ngọt đậm như chính vụ. Tuy vậy, loại ngon, quả to vẫn liên tục “cháy hàng”.

Chị Nguyễn Thanh Thúy - chủ cửa hàng kinh doanh hoa quả tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ, tất cả loại vải thiều hiện bán tại hệ thống chợ truyền thống là vải lai, vải u hồng, vải u trứng trồng ở các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh… Đây là vải chín sớm hơn so với vải chính vụ từ 20 - 30 ngày.

Do mới vào mùa, sản lượng thu hoạch tương đối hiếm nên lượng hàng không nhiều, dẫn đến giá bán cao“Vải đầu vụ rất ít, lượng hàng đưa về chợ đầu mối hoa quả Long Biên, chợ Đầu mối phía Nam chỉ hơn 1 tấn/ngày, giá mua buôn đã 30.000 - 40.000 đồng/kg. Dự kiến, khoảng 1, 2 tuần nữa khi vào đúng vụ thu hoạch, vải chín nhiều giá sẽ rẻ hơn" - chị Thúy nói.

Người tiêu dùng mua vải thiều tại siêu thị  Big C vụ vải 2021.
Người tiêu dùng mua vải thiều tại siêu thị  Big C vụ vải 2021.

Không chỉ xuất hiện tại chợ truyền thống, mặt hàng vải thiều chín sớm cũng đã có mặt tại các hệ thống siêu thị thực phẩm như Sói Biển, Bác Tôm, Clever Food… Giá bán khoảng 90.000 đồng/kg.

Lý giải giá bán cao hơn chợ truyền thống, đại diện hệ thống siêu thị Bác Tôm nêu rõ, đây là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.

Những ngày này trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… cũng xuất hiện nhiều nhóm rao bán vải chín sớm với giá mềm hơn, chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Chủ tài khoản Facebook Thanh Hoàng của nhóm “Vải thiều Lục Ngạn quê hương tôi” chia sẻ, năm nay, do chi phí vận chuyển và bảo quản tăng tới 40% so với vụ thu hoạch năm trước nên giá bán cao. "Tuy vậy, sau khi đăng bán trên các hội nhóm, Facebook cá nhân, khách mua vải đầu mùa của gia đình tôi ở khắp nơi như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… liên tục đặt đơn, không kịp giao, mỗi đơn hàng từ 20 - 40kg” - chị Thanh Hoàng thông tin.

Chú trọng thị trường nội địa

Mùa thu hoạch vải thiều dự kiến kéo dài từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6. Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường tiêu thụ chủ lực sản phẩm này là Trung Quốc đang áp dụng nhiều chính sách kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, nên vấn đề giải quyết đầu ra cho vải thiều đang được nhiều người quan tâm.

Thông tin từ Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, vụ vải thiều năm 2022, tỉnh có kế hoạch sản xuất vải thiều với diện tích ổn định 28.300ha, sản lượng khoảng 160.000 tấn. Trong đó, vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82ha, sản lượng 1.000 tấn.

Đại diện Sở Công Thương Bắc Giang thông tin, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm cho người dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đơn vị đã xây dựng 2 phương án hỗ trợ người dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể xuất khẩu, sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa thông qua chợ đầu mối, siêu thị hoặc sấy khô, bảo quản lạnh.

Người tiêu dùng mua vải thiều tại siêu thị Winmart trong vụ vải 2021
Người tiêu dùng mua vải thiều tại siêu thị Winmart trong vụ vải 2021

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản đề nghị các tỉnh thành trên cả nước, chung tay kết nối tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa, tập trung vào những trung tâm thương mại, các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai… Bên cạnh đó, tận dụng tốt những nhà phân phối, hệ thống các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam như Go, SaiGon.Coop, Happro, Winmart… để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm vải thiều.

Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, dự kiến trong vụ thu hoạch vải thiều năm nay, hệ thống siêu thị Big C và Go! miền Bắc  (Tập đoàn Central Retail Việt Nam) sẽ đồng hành cùng người dân Bắc Giang.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng cũng khẳng định, 76 siêu thị, cửa hàng tự chọn mang thương hiệu BRG Mart và Haprofood/BRG Mart sẽ đồng hành cùng người dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều.

Tương tự, Tập đoàn Aoen, Mega Market, Co.op Mart… đã cử đại diện thu mua làm việc với một số doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang để chuẩn bị sản lượng, vùng nguyên liệu, thương thảo, ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm tại các mã vùng trồng.

Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin, nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, đơn vị phối kết hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Bắc Giang xây dựng kế hoạch, phương án ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, bán vải thiều trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử; phối hợp Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Lazada.vn, Alibaba… Việc đưa sản phẩm vải thiều lên sàn thương mại điện tử còn thúc đẩy xuất khẩu vải thiều và nông sản vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành công thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh kết nối cung - cầu với hệ thống siêu thị Big C, Co.op Mart, Lotte Mart, Vin Mart… Đồng thời, phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang, qua đó kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa.

Valid: True