Vẫn chực chờ nỗi lo thiếu xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện Việt Nam có tới 33 DN đầu mối xăng dầu, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Nếu công tác quản lý, điều hành xăng dầu không sớm được xem xét, điều chỉnh lại thì tình trạng thiếu hụt vẫn sẽ tái diễn.

Bất ổn nguồn cung xăng dầu vì đâu?

Việc thiếu xăng dầu bán lẻ ở các cửa hàng tại một số địa phương những ngày qua cho thấy, trong quản lý kinh doanh xăng dầu vẫn có nhiều lỗ hổng.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra tại một cây xăng trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra tại một cây xăng trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Lê Nam

Trong văn bản khẩn gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN mới đây (ngày 2/9), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiến nghị, cơ quản lý cần sớm thực hiện loạt biện pháp để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung trong nước.

Trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn rủi ro nguy cơ đứt nguồn cung cục bộ, Petrolimex đề nghị liên bộ cần kịp thời điều chỉnh chi phí premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán) và chi phí vận tải, vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 11/7, và bổ sung ngay vào kỳ điều hành ngày 12/9 tới. Việc này nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.

“Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả thương nhân đầu mối, phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối. Việc kiểm tra giám sát cần thực hiện ngay từ đầu nguồn nhận hàng, từ các nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu thông qua kết nối dữ liệu từ kho của thương nhân đầu mối” - đại diện Petrolimex đề xuất.

Một số chuyên gia thẳng thắn nhận định, điểm yếu nhất trong việc điều hành xăng dầu hiện nay là Bộ Công Thương không giám sát được luồng hàng di chuyển từ các các nhà máy lọc dầu, hoặc nhập khẩu thông qua kết nối đồng bộ dữ liệu từ kho của thương nhân đầu mối đến thương nhân phân phối, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ.

Bởi theo các chuyên gia, nếu có dữ liệu công khai được giám sát trực tuyến luồng di chuyển này, cơ quan quản lý sẽ không bị lúng túng trong điều hành và xuất hiện tình trạng bất ổn nguồn cung như thời gian qua.

Vì vậy, với thẩm quyền của mình, Bộ Công Thương cần yêu cầu toàn bộ DN đầu mối hàng ngày nộp số liệu tồn, rồi công bố số liệu đó lên trang web của Bộ để các thương nhân kinh doanh xăng dầu toàn quốc nắm được. Bộ Công Thương cũng cần vào cuộc quyết liệt kiểm tra và minh bạch số lượng hàng tồn kho, hàng dự trữ bắt buộc theo quy định tại tất cả DN đầu mối, thương nhân phân phối từ đầu năm đến nay.

Xem xét rút ngắn chu kỳ điều hành  

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc Liên Bộ Công Thương - Tài chính rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày còn 10 ngày là một bước tiến, tuy nhiên mỗi kỳ điều chỉnh giá cách nhau 10 ngày (không tính trùng ngày nghỉ, lễ, tết) vẫn chưa hòa nhập được với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Hiện, giá xăng dầu vẫn đang được điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần (không tính trùng ngày nghỉ, lễ, tết). Ảnh: Phạm Hùng
Hiện, giá xăng dầu vẫn đang được điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần (không tính trùng ngày nghỉ, lễ, tết). Ảnh: Phạm Hùng

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nếu rút ngắn chu kỳ điều hành còn 2 - 3 ngày sẽ đem lại hiệu ứng tốt cho thị trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động của chu kỳ điều hành như trên trong thời gian tới, bởi triển khai việc này không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, vì nhiều nguyên nhân nên đến nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường do chưa có cơ chế cạnh tranh thị trường đầy đủ. Cụ thể, hiện, một số DN xăng dầu chiếm thị phần lớn nên nhà nước vẫn phải định giá mặt hàng này nhằm tránh trường hợp DN lớn dùng sức ảnh hưởng trên thị trường để "làm giá", tác động đến người tiêu dùng.

Đưa ra các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được phê duyệt năm 2022, nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, DN.

Hiện, Bộ Công Thương đang tham chiếu khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, khả năng sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hiệp hội ngành hàng liên quan để xây dựng, ban hành quyết định phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm quý IV/2022 trong trường hợp cần thiết.

Song song với đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu; khuyến khích DN duy trì nguồn cung và hạn chế hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

 

Cùng với tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các DN vi phạm, đầu cơ, làm ăn bất chính, công tác quản lý ngành xăng dầu cũng phải được đánh giá, xem xét lại những quy định và cơ chế quản lý. Việc thẳng thắn nhận diện bất cập, tháo gỡ “điểm nghẽn” bằng những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt mới có thể giúp thị trường lành mạnh hơn và mối nguy mất an ninh năng lượng được giải tỏa từ gốc.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân