Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn cái nhìn thiên lệch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Bộ VHTT&DL xây dựng, đưa ra nhiều tham vọng lớn trong việc phát triển nghệ thuật biểu diễn. Song những lỗ hổng từ dự thảo lại khiến người ta nghi ngại về một cái nhìn còn thiên lệch.

Cái nhìn còn thiên lệch thể hiện qua nhiều nội dung của dự thảo, trong đó có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực. Với vùng Bắc Bộ, dự thảo chỉ tập trung đầu tư cho trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, cung cấp nhân lực cho vùng và cả nước. Vậy còn nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghệ thuật khác ở các tỉnh thì sao? Đấy là tạm tính theo dự thảo, vùng Bắc Bộ gồm cả Đồng bằng Bắc Bộ lẫn miền núi phía Bắc. Với vùng Nam Bộ, dự thảo cũng lại chăm chăm đầu tư cho trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh TP Hồ Chí Minh để trường "tiếp tục" thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, cung cấp nhân lực cho vùng và cả nước. Còn vùng Trung Bộ rộng lớn bao gồm cả Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì lại không thấy cơ sở đào tạo nào được đầu tư. Tạm tính như dự thảo, cả nước sẽ chỉ có 2 cơ sở đào tạo hàng đầu, chất lượng cao, được ưu tiên nhiều, đầu tư lớn đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi nghệ thuật mỗi vùng, miền lại có những đặc trưng riêng. 
Rối nước không nằm trong Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn.
Rối nước không nằm trong Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn.
 
Việc quy hoạch nghệ thuật biểu diễn theo 3 vùng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ trong dự thảo cũng thể hiện sự bất ổn khi gộp làm một những khu vực, địa phương có truyền thống văn hóa với các bộ môn nghệ thuật đặc trưng. Trong một hội nghị lấy ý kiến về dự thảo mới đây tại Hà Nội, nhiều nhà quản lý văn hóa các địa phương đã góp ý thẳng thắn về bất hợp lý này. Ví dụ, Đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc vốn có nhiều điểm khác nhau, nhưng lại được gộp lại với những chủ trương, định hướng phát triển nghệ thuật biểu diễn hầu như chỉ tập trung cho vùng trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ. Tương tự, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ hay Tây Nguyên, đều có những nét văn hóa riêng, bản thân các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của mỗi tỉnh thành thuộc các vùng này cũng đang phát triển theo hướng bảo tồn, quảng bá nghệ thuật truyền thống của địa phương. Nhưng hết thảy đều hợp về một vùng rộng lớn Trung Bộ…  

Ngay cả cách phân chia "mũi nhọn nghệ thuật" của dự thảo cho mỗi tỉnh trong mỗi vùng, cũng thể hiện rằng những người soạn thảo đã bỏ qua nét đặc sắc văn hóa vùng miền. Ví như với vùng Trung Bộ, địa bàn trọng điểm phát triển nghệ thuật biểu diễn được xác định là Nghệ An với dân ca ví dặm; Thừa Thiên Huế với ca Huế; Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa với bài chòi; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc và Lâm Đồng với cồng chiêng Tây Nguyên. Lạ là dự thảo lại "phân việc" cho các tỉnh Tây Nguyên nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các loại hình dân ca - dân vũ của tộc người Chăm. Trong khi một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ mới là nơi tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Chăm? Rồi trong nội dung "Thi người đẹp, người mẫu, trình diễn thời trang", dự thảo lại chỉ nhấn mạnh "xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm trình diễn thời trang hàng đầu của cả nước, trong đó chú trọng phát triển có tính hệ thống các nhân lực thiết kế, tạo mẫu, trình diễn thời trang ở cả 2 thể loại: Thời trang trình diễn và thời trang ứng dụng". Điều này gây nhiều băn khoăn, đến nỗi NSƯT Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL phải đặt câu hỏi: Vậy thì Hà Nội đâu? Hà Nội không xứng đáng trở thành trung tâm trình diễn thời trang hàng đầu của cả nước sao?

Dự thảo quy hoạch dù được biên soạn dày dặn, bao quát nhiều mục tiêu, trọng tâm, đưa ra nhiều hướng giải pháp, kế hoạch, chương trình thực hiện, nhưng lại cho thấy những khuyết thiếu trong kết nối các vùng nghệ thuật biểu diễn, cũng như trọng tâm phát triển của mỗi địa phương. Tính khả thi của quy hoạch phải dựa trên sự đồng thuận, hưởng ứng của những người hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chứ không phải những suy nghĩ áp đặt.