Vẫn còn cái Tết sum vầy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Tết xưa nay vẫn được coi là khoảng thời gian để gia đình đoàn tụ, sum vầy, chia sẻ những điều đã làm được trong năm qua. Nhưng những kỳ nghỉ Tết dài ngày giờ cũng trở thành dịp để nhiều người thực hiện tour du xuân thú vị. Cái Tết với ý nghĩa sum vầy còn đó, nhưng đã theo một hướng mới mẻ…

Du xuân...

Trước Tết Giáp Ngọ chừng 4 tháng, chị Trần Thủy ở TP Quy Nhơn (Bình Định) giục chồng mua vé máy bay chiều ra Hà Nội ngày "ông Công, ông Táo" để sum họp với bố mẹ và các anh chị. Cũng bởi chị muốn con mình được tìm hiểu, trải nghiệm Tết truyền thống ở mảnh đất hơn ngàn năm văn hiến. "Nhìn con gái chăm chú xem mọi người gói bánh chưng, háo hức cùng ông ngoại ngồi bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chín, tôi vui lắm! Con tôi thích được tự tay vớt cái bánh chưng "cua", sau khi bóc ra mang lên bàn thờ thắp hương tổ tiên là thưởng thức hương vị đậm đà dẻo thơm của gạo nếp cái hoa vàng, béo nhưng không ngậy của thịt mỡ quyện trong nhân đậu xanh… Sau ngày mùng Hai Tết, chúng tôi lại có chuyến du xuân thành phố rất thú vị" - chị Thủy hào hứng kể. 
Vẫn còn cái Tết sum vầy - Ảnh 1
Ngày Tết ở vùng nông thôn là sự kiện rất lớn đứng về góc độ gia đình, bởi vẫn có nhiều gia đình có nhiều thế hệ sống trong cùng một mái nhà; cô, dì, chú, bác sống quanh làng xã, huyện thị nên việc đến nhà nhau chúc Tết rất thuận tiện. Bởi thế nên ai nấy dù có đi làm ăn xa đến mấy, những ngày cận Tết đều chấp nhận đứng chen chân nhiều giờ liền ở bến tàu, bến xe mua cho được chiếc vé về quê. Còn với người thành phố, nhiều gia đình, đặc biệt là những người trẻ tuổi có cách sống mới, thế nền họ chọn cách đi du lịch nước ngoài. Nhiều người cho biết, Tết này được nghỉ 9 ngày, trước hoặc sau thời khắc chuyển sang năm mới, sẽ cố gắng dành 3 ngày chúc và mừng tuổi gia đình, họ hàng. Thời gian còn lại tranh thủ đi du lịch ở trong hoặc ngoài nước. Các điểm du lịch trong nước được lựa chọn nhiều là Côn Đảo, Phú Quốc, Nha Trang; hay tour khám phá cung đường hoa cải miền Đông - Tây Bắc là Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa, Cao Bằng… Còn tour du lịch nước ngoài được nhiều người thích thú là Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan…

Tết Giáp Ngọ này, gia đình chị Nguyễn Thanh Thủy ở phố Kim Hoa (quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện chuyến đi 4 ngày tìm hiểu và chiêm ngưỡng đền thờ Angcovat và thăm Thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Với chị Thanh Thủy, Tết là dịp để cả gia đình được ở bên nhau, bởi quanh năm, chồng chị bận công việc, trẻ nhỏ mải đi học, khó "thiết kế" được vài ngày đi nghỉ. "Mùng Hai Tết năm ngoái, chúng tôi có chuyến du xuân đến Hạ Long và Yên Tử 3 ngày. Không khí ngày Tết ở nơi ấy rất ấm cúng, cảnh sắc thiên nhiên tươi mới và đầy sức sống. Mọi người gặp nhau ai nấy đều nói lời chúc tốt đẹp dù chưa quen biết… Đó là động lực giúp chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn trong một năm trời với nhiều lo toan, tất bật".

… và những biến tấu

Xu hướng đi du lịch ngày Tết khiến các nhà văn hóa, những người quan tâm đến giữ gìn bản sắc dân tộc cảm thấy băn khoăn, bởi nét đẹp ngày Tết của dân tộc Việt là sum họp gia đình, là đi tảo mộ tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Nhất là khi chúng ta đang hội nhập quốc tế thì bản sắc văn hóa cần được gìn giữ trên tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan". Theo cách nghĩ của GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam: "Ngày xuân, với người miền Bắc là đi xem hát quan họ, chầu văn, hát chèo, nghệ thuật dân gian; còn trong Nam là xem hát bài chòi, đờn ca tài tử. Ngày Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, đi thăm hỏi họ hàng, chòm xóm. Bây giờ mọi người chọn cách đi xa nhà thì truyền thống ngày Tết sẽ không còn, ý nghĩa sum họp càng bị giảm đi".

GS Hoàng Chương cũng tỏ rõ sự tiếc nuối khi nhiều phong tục đẹp ngày Tết đã dần phai nhạt do tác động của lối sống hiện đại: "Nếu như trước đây, người ta đổi tiền lớn thành tiền có mệnh giá nhỏ để mừng tuổi cho con cháu thì bây giờ tiền nhỏ đổi lấy tiền to. Tiền mừng tuổi càng to thì càng có giá trị"…

Tuy nhiên, người trẻ tuổi lại có suy nghĩ khác. Họ vẫn còn cái Tết sum họp cùng gia đình nội ngoại trong vài ngày, chỉ có điều nó sẽ diễn ra trước hoặc sau Tết mà thôi. Như anh Nguyễn Văn Canh, hướng dẫn viên du lịch tâm sự: "Đi du lịch ngày Tết là cơ hội để gia đình, bạn bè, đồng nghiệp gặp nhau ở nơi nào đó thú vị hơn thay vì tụ tập chúc tụng, ăn nhậu trong không gian hẹp; năm này qua năm khác bó gọn trong nhà này hay nhà kia. Đành rằng các bữa ăn ngày Tết là thịnh soạn, thậm chí có những món cả năm mới ăn một lần, nhưng không vì thế mấy ngày liền có thể dùng được món ấy".

Một lý do khác khiến những người trẻ tuổi, đặc biệt với các bạn độc thân thích đi du lịch ngày Tết là bởi thiếu không gian chơi. Những hoạt động trong ngày Tết chỉ là trang hoàng phố xá, những biểu ngữ và một vài tụ điểm ca nhạc. Ở khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có viết thư pháp, nhưng cứ lặp đi lặp lại mà người ta thì không muốn năm nào cũng đến "xin chữ". Những hoạt động như đi xông đất, chúc Tết, lễ chùa… nhiều lắm cũng chừng 2 ngày. Thậm chí, không ai biết được thời tiết đẹp hay không, nên việc nhiều gia đình đặt tour đến vùng đất có không khí ấm áp là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, với xu hướng hội nhập thế giới, nét văn hóa sum họp gia đình ngày Tết không còn vẹn nguyên như trước mà được pha trộn, biến tấu cho phù hợp với lối sống và nhịp sống của giới trẻ. Văn hóa sum vầy ngày Tết thay vì gặp mặt nhau trong ngôi nhà quen thuộc thì nhiều gia đình, bạn bè và đồng nghiệp lựa chọn một địa điểm mới. Đây cũng là cơ hội để được tìm hiểu phong tục tập quán ngày đầu năm mới ở các vùng miền. Nghĩa là, văn hóa sum vầy gia đình ngày Tết không mất đi mà chỉ biến thể từ dạng này sang dạng khác, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp mọi người cảm nhận cuộc sống với nhiều ý nghĩa hơn.q