Vẫn còn nhiều sóng gió

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều sóng gió, cuối cùng cuộc bầu cử ở Thái Lan vẫn diễn ra một cách khá suôn sẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra mới chỉ vượt qua được cửa ải đầu tiên và việc phe đối lập đe dọa tiếp tục gây sức ép vẫn chưa phải là thách thức cuối cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Thái Lan.

Ngày 2/2, cuộc tổng tuyển cử ở đất nước Thái Lan đã diễn ra trong tình trạng an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt bởi một lực lượng hùng hậu gồm 20.000 cảnh sát và 10.000 binh lính. Theo thống kê chưa chính thức, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 45,8% trong tổng số 44,6 triệu cử tri hợp lệ do hơn 10.000 điểm bỏ phiếu tại 67 đơn vị bầu cử của 18 tỉnh, thành Thái Lan không thể mở cửa do vấp phải sự cản trở của người biểu tình. Dù số người biểu tình chưa thực hiện quyền công dân lên tới gần 10 triệu người, các chuyên gia nhận định, việc cuộc bầu cử có thể diễn ra đã là một thắng lợi của Thủ tướng tạm quyền Thái Lan.

 
Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bỏ phiếu tại Bangkok. 	Ảnh: AP
Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bỏ phiếu tại Bangkok. Ảnh: AP

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, bà Yingluck gần như chắc chắn đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 2/2 nhưng chiến thắng đó hầu như không ý nghĩa trong bối cảnh Quốc hội khó có thể khởi động khi không đủ số lượng thành viên tối thiểu. Theo pháp luật Thái Lan, để Quốc hội bắt đầu làm việc phải bầu không dưới 95% nghị sĩ trong thành phần Hạ viện nhưng việc phe đối lập phá vỡ cuộc bỏ phiếu tại một số điểm đã khiến cho điều kiện để cơ quan lập pháp hoạt động trở nên bất khả thi. Tuy nhiên, bà Yingluck vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bùng lên từ hồi tháng 11 năm ngoái sau khi đề xuất lên Quốc hội thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi. Nguyên nhân là do cuộc bầu cử lần này không những không giải quyết được tận gốc cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan mà còn khiến cho mâu thuẫn giữa hai phe đối địch ở nước này thêm sâu sắc.

Dự kiến, Thái Lan sẽ phải tiến hành thêm một cuộc bỏ phiếu vào ngày 23/2 tới để những cử tri chưa được đi bỏ phiếu sẽ có cơ hội thực hiện nghĩa vụ của mình. Thế nhưng, phe đối lập đã lên kế hoạch tiếp tục thực hiện các cuộc biểu tình và thu thập bằng chứng về tính chất "bất hợp pháp" của cuộc bầu cử. Trên thực tế, hôm 4/2, Đảng Dân chủ (DP), đảng đối lập chính ở Thái Lan, đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp đòi hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi cuối tuần qua theo quy định của Hiến pháp. Trong đơn kiến nghị, DP cho rằng cuộc bầu cử trên là vi hiến xét trên một số quy định. Ngoài ra, DP còn muốn đảng cầm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải bị giải tán.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, tài năng chèo lái con thuyền Thái Lan của Thủ tướng Yingluck sẽ tiếp tục bị thử thách bởi sự tấn công các “cơn bão pháp lý” và khó đưa ra được các dự luật cũng như ngân sách để hồi phục nền kinh tế. Nếu tình hình hiện nay vẫn tái diễn trong một vài tháng tới, Thái Lan có thể mất đi vị thế của “thiên đường” thu hút đầu tư và du lịch châu Á như một hệ quả tất yếu của cuộc khủng hoảng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần