Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn những barie trong cai nghiện ma túy tự nguyện

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù những con số đã thể hiện bước tiến trên “cung đường” cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, song người trực tiếp làm công việc vất vả này thừa nhận, việc xác định tình trạng nghiện cũng như quản lý người nghiện trở về cộng đồng vẫn còn trở ngại.

Tạo việc làm sau cai nghiện

Chỉ tính trong 6 tháng vừa qua, Hà Nội đã đưa được 1.215 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện (đạt 71% kế hoạch), trong đó 396 đối tượng đã điều trị ổn định và trở về địa phương. Chia sẻ về con số đáng mừng này, ông Hoàng Thành Thái – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho hay, từ thực tế diễn biến của người nghiện và nhu cầu điều trị, cai nghiện, TP đã chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội. Hiện tại, Hà Nội còn 7 trung tâm do Sở LĐTB&XH quản lý với công suất tiếp nhận đến 4.500 học viên vào điều trị. Công tác cai nghiện tự nguyện và quản lý sau cai bước đầu đã duy trì ổn định theo quan điểm đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo đề án của Chính phủ.
Học viên cai nghiện đang học nghề làm vàng mã tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh
Học viên cai nghiện đang học nghề làm vàng mã tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh
Điều quan trọng hơn là sau thời gian điều trị ở trung tâm trở về cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm ở địa phương lại “tiếp tay” quản lý các đối tượng cai nghiện. Cách quản lý hay nhất chính là giải quyết khó khăn cho các đối tượng, nên Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo 2 trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tư vấn hướng nghiệp cho học viên. Ngay trong các buổi tư vấn này, cũng có các DN đến phỏng vấn tuyển dụng lao động. Sở LĐTB&XH cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn thực hiện tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Vậy nhưng, việc tạo việc làm cũng như cho đối tượng vay vốn không dễ, bởi người nghiện sau cai khó lựa chọn được công việc phù hợp và cũng không lập hồ sơ xin vay vốn tại địa phương.

Gỡ khó Chứng chỉ hành nghề

Ông Thái không giấu, hiện tại, việc xác định tình trạng nghiện cho đối tượng đang gặp trở ngại. Bởi theo quy định tại Nghị định 221/NĐ-CP, tất cả các đối tượng khi tham gia điều trị đều phải xác định tình trạng nghiện. Dù Sở Y tế đã tập huấn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện điều trị cắt cơn và cấp Chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế địa phương, song việc xác định tình trạng nghiện tại các trung tâm vẫn vướng. Là bởi, theo quy định của Bộ Y tế, cán bộ y, bác sĩ ở trung tâm phải có Chứng chỉ hành nghề và Giấy chứng nhận tập huấn chẩn đoán điều trị nghiện ma túy tổng hợp, ma túy nhóm Opiat mới đủ điều kiện để ký Giấy xác nhận tình trạng nghiện. Việc tập huấn điều trị cắt cơn, giải độc cho cán bộ y tế trung tâm đã xong, song Chứng chỉ hành nghề thì chưa được cấp. “Sở LĐTB&XH đã có công văn cử 18 y, bác sĩ ở các trung tâm đến các bệnh viện để thực hành. Theo quy định của ngành y tế, họ phải thực hành cả ngày (12 tháng đối với y sĩ và 18 tháng đối với bác sĩ), trong khi lực lượng y, bác sĩ ở trung tâm rất mỏng, vẫn phải thực hiện điều trị cắt cơn ở trung tâm nên không thể đi được. Vì thế, đến nay chưa có ai được bệnh viện tiếp tục nhận thực hành” - ông Thái lý giải.

Để giải quyết vướng mắc này, bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét và sớm xin ý kiến của UBND TP và Bộ Y tế để thời gian thực hành của cán bộ y, bác sĩ trung tâm có thể rút xuống nửa ngày. Tuy nhiên, rất mong Sở LĐTB&XH bố trí, lên danh sách y, bác sĩ đi thực hành và tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ”. Trong thời gian này, Sở Y tế vẫn cử cán bộ trạm y tế xã, phường và bệnh viện đến giúp các trung tâm xác nhận tình trạng nghiện cho đối tượng.