Số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành.
Theo CATP Hà Nội, các vụ việc thường xảy ra tại địa bàn các huyện ngoại thành, là nơi có kinh tế khó khăn, dân trí không cao, điều kiện cập nhật thông tin bị hạn chế nên thường xảy ra nhiều vụ việc hơn so với các quận nội thành. Người thành niên phạm tội gì thì hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội đó: giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, giao cấu với trẻ em, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản...
Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng không còn đơn giản là do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị. Đáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên tình trạng các thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm (có cả học sinh) thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích...
Thậm chí còn mang theo hung khí: dao, kiếm, tuýp sắt gắn dao bầu... để giải quyết mâu thuẫn, có nguy cơ gây ra các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Theo số liệu thống kê trong năm 2023, toàn TP Hà Nội xảy ra 231 vụ, 1.309 đối tượng. Tình hình tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi trong năm 2023 tăng 20 vụ so với năm 2022, hầu hết các hành vi vi phạm đều tăng.
Trong đó, hành vi tăng nhiều nhất là gây rối trật tự công cộng (tăng 32 vụ); một số hành vi giảm gồm: cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, sử dụng trái phép chất ma túy...; giảm nhiều nhất là hành vi cố ý gây thương tích (giảm 14 vụ). Nổi lên và xảy ra nhiều nhất là hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra 84 vụ (chiếm 36,3% tổng số vụ xảy ra).
Các vụ việc chủ yếu xảy ra tại địa bàn các huyện ngoại thành. Đáng nói là các hành vi vi phạm có tính chất bạo lực, xâm hại đến thân thể, sức khỏe, tài sản có xu hướng tăng như: giết người (tăng 4 vụ), các hành vi xâm hại tình dục (tăng 3 vụ), cướp tài sản (tăng 7 vụ), cưỡng đoạt tài sản (tăng 1 vụ), trộm cắp tài sản (tăng 2 vụ).
Hiện vẫn còn tiềm ẩn tình trạng các thanh thiếu niên, học sinh tụ tập mang theo hung khí: dao, kiếm để giải quyết mâu thuẫn, điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, nẹt pô... làm mất trật tự công cộng và gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và có nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm tội khác như giết người, cố ý gây thương tích...
Các đối tượng vi phạm đa số là nam: 1.278 đối tượng (chiếm 97,6% tổng số đối tượng), chủ yếu có độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18: 959 đối tượng (chiếm 73,2%), hầu hết vi phạm lần đầu: 1.262 đối tượng (chiếm 96,4%), đã bỏ học: 614 đối tượng (chiếm 46,9%).
Nhìn chung, tình hình tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi vẫn còn nhiều tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Dự báo trong thời gian tới, các đơn vị trong CATP thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nên tình hình tội phạm nói chung và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên sẽ không tăng mạnh, tuy nhiên vẫn cần chú ý đến hành vi gây rối trật tự công cộng.
Vừa qua, tại hội thảo “Nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong tình hình hiện nay” do Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức, đại diện CATP Hà Nội đã có những đánh giá tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên trên địa bàn TP. Đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên.
Theo lãnh đạo CATP Hà Nội, thời gian tới, CATP sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động PBGDPL. Xác định rõ nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL trong từng giai đoạn, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các cơ quan, tổ chức, địa bàn. Các sở, ban ngành và đơn vị trong CATP phối hợp tích cực để công tác tổ chức thực hiện đề án đạt hiệu quả cao.