Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 1 hôm 5/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nêu rõ quan điểm của Moscow về quan hệ giữa Nga và Ukraine.
Người phát ngôn Peskov nhấn mạnh, tình trạng của bán đảo Crimea không thể được coi là một vấn đề trong chương trình nghị sự, nếu diễn ra cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. "Với Nga, không hề tồn tại vấn đề Crimea, trong khi đó, chúng tôi được Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, ông Zelensky muốn thảo luận về Crimea" - ông Peskov cho biết và nói rằng đây là lý do tại sao chưa có bất kỳ tiến triển cho kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Zelensky.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng lưu ý rằng Nga đã tái khẳng định sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Ukraine, mặc dù Kiev chưa thể hiện mong muốn như vậy. "Tổng thống Putin đã khẳng định rõ ràng rằng ông sẵn sàng gặp Zelensky, đồng thời cho rằng tình trạng tồi tệ của quan hệ Nga - Ukraine là không thể chấp nhận được và cần phải được chấn chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy được ý chí chính trị chung từ phía Kiev", ông Peskov nhấn mạnh.
Về phát biểu của Tổng thống Zelensky rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh châu Âu, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định: "Điều này là vô nghĩa. Ngược lại, việc xây dựng tuyến đường ống này là một đóng góp vào việc đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu".
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Jelensky tại Nhà Trắng hôm 1/9, chính phủ Mỹ đã khẳng định cam kết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Theo tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ukraine, Washington bày tỏ hoàn toàn ủng hộ Định dạng Normandy và giải quyết xung đột ở Donbass trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Quan hệ Nga - Ukraine leo thang căng thẳng từ năm 2014 sau khi miền Đông Ukraine nổ ra xung đột, bán đảo Crimea ly khai và sáp nhập vào Nga. Từ đó đến nay, tình hình bất ổn tại miền Đông Ukraine vẫn dai dẳng và hai bên liên tiếp cáo buộc nhau vi phạm Thỏa thuận Minsk - giải pháp chính trị giải quyết khủng hoảng đã được các lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Nga, Ukraine (còn được gọi Bộ tứ Normandy) đưa ra từ tháng 2/2015.