Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thực trạng đang diễn ra là chức năng giải trí đang có xu hướng lấn át chức năng giáo dục, nhất là trong các loại hình sân khấu, điện ảnh, âm nhạc.

Sáng nay (11/11), tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. 84 tham luận gửi tới hội thảo được đánh giá là kỷ lục từ trước tới nay tại các hội thảo khoa học do Hội đồng lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.

 
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thẳng thắn nêu lên một thực trạng đang tồn tại trong đời sống văn học nghệ thuật hiện nay là, chức năng giải trí đang có xu hướng lấn át chức năng giáo dục, nhất là trong các loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc. Có không ít văn nghệ sĩ chưa thật sự “dấn thân”, có biểu hiện né tránh hoặc đề cập mờ nhạt, chưa phân tích rõ nguyên nhân cũng như giải pháp cho các vấn đề đạo đức xã hội bức xúc trong đời sống.

Tâm huyết và thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trong xây dựng con người mới và những giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong tham luận của mình đã khẳng định, Bác Hồ hết sức coi trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng. Trong các hoạt động tinh thần, văn học nghệ thuật có sức mạnh chinh phục, cảm hóa con người.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mong muốn văn nghệ sĩ phải đi sâu vào đời sống để có nhiều tác phẩm có giá trị: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng, nhưng để nuôi dưỡng tài năng phát triển, phải đi vào đời sống. Đi vào đời sống để hiểu đời và hiểu người. Đi vào đời sống để cho khát vọng của người nghệ sĩ hòa nhịp vào những nguyện vọng sâu xa cháy bỏng của nhân dân. Đi vào đời sống để nâng mình lên cho ngang tầm với những gì mà Tổ quốc, sự nghiệp con người đang đòi hỏi”.

Ông Hà Đăng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khi bàn về trách nhiệm chấn hưng đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật lại nhấn mạnh về vai trò của hệ thống chính trị. Đó là trách nhiệm của lãnh đạo và quản lý trong định hướng các hoạt động sáng tác cho tác phẩm văn học, nghệ thuật.

“Chỉ văn nghệ sĩ không thì không thể làm điều đó, không đủ sức làm điều đó, mà phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội và các cấp các ngành. Các ngành, các cấp vào cuộc như thế nào phải tham gia vào định hướng sáng tác của tác phẩm. Đứng về mặt quản lý phải làm ‘bà đỡ’ cho các sáng tác có giá trị đạo đức”, ông Hà Đăng nhấn mạnh.

Đạo đức xã hội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội hiện nay, trong đó có những người làm văn học nghệ thuật.

Những tham luận tại hội thảo thực sự là những ý kiến đóng góp có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, giúp cho Đảng, Nhà nước, các cơ quan lý và đội ngũ văn nghệ sĩ nhìn nhận rõ hơn về thực trạng đạo đức xã hội trong đời sống và trong văn học, nghệ thuật hiện nay, góp phần đưa ra những quyết sách để xây dựng nền văn học, nghệ thuật nước nhà tiên tiến, mang đậm tính dân tộc và nhân văn.