Trên 30 tham luận tại tọa đàm đã phân tích, làm rõ quan điểm cơ bản về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hóa
Việt Nam 1943; làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng, sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: “Đề cương về văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới; động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ, những người nặng lòng với đất nước, dấn thân cùng Đảng Cộng sản Đông Dương để cứu nước, cứu dân; hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, tư tưởng; không bi quan, dao động, không bị ru ngủ bởi luận điệu và luận thuyết sai trái, lừa gạt của chế độ phát xít, thực dân. Đề cương khẳng định: Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
Nhấn mạnh về vấn đề tập hợp, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ 80 năm qua, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng: Bên cạnh những thành tựu quan trọng, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết của VHNT hiện nay. Trong thời gian tới, cần kết hợp nhuần nhuyễn 3 nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng trong sáng tác VHNT và không được nhân danh tính đại chúng để hạ thấp tính chuyên nghiệp. Đại chúng không có nghĩa là làm cho quần chúng mà quần chúng là một yếu tố cấu thành của đời sống VHNT, cũng cần được giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết về VHNT.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Những nội dung cốt lõi của Đề cương đã trở thành nền tảng tư duy lý luận của Đảng về VHNT của Đảng trong suốt 80 năm qua. Những quan điểm của bản Đề cương về vị trí, vai trò của VHNT trong văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị và kinh tế, về vai trò lãnh đạo Đảng đối với lĩnh vực VHNT và đặc biệt là 3 nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và bổ sung. Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã thống nhất khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện sự nhạy bén, khả năng phân tích, đánh giá tình hình và tầm nhìn chiến lược của Đảng. Giá trị to lớn và sức sống bền vững của Đề cương đã khẳng định chân lý: Sự hòa quyện giữa “ý Đảng – lòng dân” là nhân tố quyết định, đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa: Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, có ý nghĩa then chốt đối với vận mệnh và tương lai dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền tảng văn hóa, con người Việt Nam”.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà với thiên chức cao quý, bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, khẳng định vị trí, vai trò và có những đóng góp xứng đáng, to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.