Vận hành an toàn thang máy luôn cần ý thức người dân

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quận Hà Đông có 100 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, trong đó, có 2 cụm nhà ở xã hội. Việc đảm bảo an toàn thang máy trong các tòa nhà chung cư luôn được đặt lên hàng đầu.

Trẻ em dưới 6 tuổi phải có người lớn đi kèm vào thang máy để bảo đảm an toàn. Ảnh: Thời Nguyễn  
Trẻ em dưới 6 tuổi phải có người lớn đi kèm vào thang máy để bảo đảm an toàn. Ảnh: Thời Nguyễn  

Đẩy mạnh tuyên truyền

Toà nhà CT2, Tổ dân phố 4 Ngô Thì Nhậm, phường Hà Cầu, quận Hà Đông khi mới được đưa vào sử dụng, nhà nào cũng bầy trước cửa nhà, ngoài hành lang những vật dụng như xe đạp, tủ giày, giày dép. Việc này không những mất mỹ quan đô thị mà còn cản trở đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của tòa nhà và không đảm bảo an toàn cho hoạt động của thang máy.

Trước thực trạng này, mấy năm gần đây, Chi bộ và Tổ dân phố 4 đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ làm nòng cốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các gia đình hiểu được việc đảm bảo an toàn PCCC và an toàn cho hoạt động của thang máy là trên hết.

Nói về công tác tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, tầng 7, chung cư CT2 Tổ dân phố 4 Ngô Thì Nhậm, cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn của thang máy là đứng đầu đối với cư dân. Khi thang máy không an toàn, cư dân rất bất an. Khi các gia đình mới đến đây, họ chưa nắm được quy định đảm bảo an toàn cho thang máy hoạt động và PCCC.

Do đó, nhiều gia đình bày ra khá nhiều đồ vật, xe đạp khu vực lối vào thang máy và cửa nhà, gây mất an toàn. Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên tuyền lên loa đài của các tầng và thông qua chị em phụ nữ. Vì nhà nào cũng có các bà, các mẹ, chị em phụ nữ, mỗi người là một tuyên truyền viên; việc tuyên truyền được đốc thúc qua các trưởng tầng. Sau một thời gian ngắn các gia đình đã chấp hành tốt quy định của nhà chung cư đảm bảo an toàn thang máy và PCCC”.

Nguyên Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4, Ngô Thì Nhậm, Phạm Phúc Hồng, chia sẻ: “Thang máy là thiết bị dùng quan trọng chung trong toà nhà. “Việc cha chung không ai khóc” rất dễ xảy ra nếu không có người sát sao, quản lý. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở về đảm bảo an toàn cho thang máy. Ví dụ, trẻ em khi đi thang máy không được bấm lung tung; trẻ em từ 6 tuổi trở xuống, khi đi thang máy phải có người lớn đi kèm. Hàng vật dụng công kềnh, quá tải phải được bố trí riêng. Không vào thang máy quá đông người, thực hiện giữ gìn vệ sinh. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở và thậm chí có cơ chế phạt. Đến nay, ý thức của bà con đã được nâng lên rất nhiều khi được tuyên truyền nên chưa ai bị phạt”.

Chú trọng xử lý kịp thời các lỗi kỹ thuật

Tổ dân phố 21, phường Kiến Hưng có 5 tòa nhà chung cư, với gần 1.400 hộ dân, nơi đây có nhiều thanh, thiếu niên và trẻ em. Vì thế, việc đảm bảo an toàn cho thang máy là rất quan trọng, nhằm đảm bảo tính mạng cho cư dân, đặc biệt các em nhỏ.

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 21 Trần Thị Tơ, cho biết: “Công tác vận hành và bảo trì, bảo dưỡng thang máy ở các tòa nhà chung cư trong Tổ dân phố 21 rất được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Ban quản lý (BQL) toà nhà thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các cư dân ra vào thang máy để tuyên truyền, nhắc nhở họ giữ an toàn cho thang máy và vệ sinh chung.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn được đặt lên hàng đầu, bởi khi người dân sử dụng đúng sẽ hạn chế được lỗi và hỏng hóc cho thang máy. Ngoài bảo trì, bảo dưỡng còn là vấn đề sử dụng, vì thế chúng tôi luôn tuyên truyền cho cư dân, để thang máy hoạt động tốt. Nếu dân cư bấm đi, bấm lại nhiều lần, thang máy mở ra, đóng lại liên tục dễ hỏng hóc”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số tòa nhà, khi đi vào sử dụng một thời gian, thang máy có thể xảy ra những lỗi sự cố kỹ thuật như cửa thang đóng không khít, dừng không đúng tầng, rơi trượt xuống dưới, hỏng bảng điều khiển, hỏng dây, mất điện... Ở toà nhà CT2, phường Hà Cầu đã có lúc thang máy rơi 2 tầng do không nhận lệnh và Ban quản trị (BQT) toà nhà đã xử lý kịp thời. Những người làm trong BQT và BQL tòa nhà đều phải được bồi dưỡng kiến thức về đảm bảo an toàn thang máy.

Ông Phạm Phúc Hồng, cho biết thêm: “Các lỗi nhỏ BQT tự xử lý, những lỗi lớn thì thuê nhà cung cấp Mitsubishi đến bảo trì để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chúng tôi có trang Zalo cư dân CT2 Ngô Thì Nhậm. Cứ thang máy có vấn đề gì là Nhân dân đưa lên trang nhóm Zalo của tòa nhà, BQT quan tâm xử lý luôn. Do đó, hơn chục năm đi vào hoạt động, thang máy luôn đảm bảo an toàn, chưa xảy ra sự cố nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của Nhân dân”.

Cư dân sống trong các khu chung cư rất mong quận Hà Đông giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại các tòa nhà chung cư để thành lập các BQT nhằm hỗ trợ người dân vận hành tòa nhà trong đó có vận hành thang máy, đảm bảo an toàn cho cư dân.

 

Để đảm bảo an toàn thang máy trong nhà chung cư, quận Hà Đông đã đẩy mạnh việc thành lập BQT tòa nhà, nhằm giúp cư dân quản lý, vận hành tòa nhà. Đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông đã có 84/100 tòa nhà thành lập BQT. Tuy nhiên, vẫn còn 16/100 tòa nhà chưa thành lập được BQT. Việc chưa thành lập được BQT không chỉ gây khó khăn trong việc vận hành nhà chung cư mà công tác bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn thang máy hoạt động cũng gặp trở ngại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần