Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/6, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân và Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021.

Đã thu nhận gần 54 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị. Ảnh: CAND
Đến dự và chỉ đạo tại hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo đại diện bộ, ban, ngành…
Trước đó vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các dự án dữ liệu dân cư và dự án căn cước. Hai dự án này được Bộ Công an tập trung thực hiện và hiện cơ bản đã hoàn thành, sớm hơn so với kế hoạch một tháng.  Đây là 2 dự án khác nhau nhưng được lực lượng công an lồng ghép tối đa, giúp giảm chi phí 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế xây dựng theo mô hình tập trung gồm Trung tâm dữ liệu (DC) tại Hà Nội và Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) tại TP Hồ Chí Minh bảo đảm hiện đại.
Tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 dự án gồm cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip, Bộ Công an đã điều động, tăng cường gần 200.000 cảnh sát để thu thập, cập nhật thông tin dân cư trên toàn quốc.
 Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại Hội nghị.
Sau hơn một năm triển khai, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án trên. Đây là 2 dự án độc lập, nhưng bộ đã chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để đồng bộ, tránh lãng phí. Qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo các nhà thầu chính của dự án triển khai thiết kế kỹ thuật hệ thống CSDLQG và sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Các hệ thống sẵn sàng tích với cổng dịch vụ công quốc gia; các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng liên thông quốc tế, đồng thời có tính bảo mật cao.
Về thu thập cơ sở dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu. Thông qua đó cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6. Đến nay, Bộ Công an đã thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và kết nối dữ liệu với 33/63 UBND tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó giúp xác thực thông tin công dân, giải quyết 236 thủ tục hành chính, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.
Đối với dự án sản xuất và cấp Căn cước công dân gắn chip, Bộ Công an cho biết tính đến ngày 15/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thu nhận gần 54 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân. Dự kiến việc in và trả toàn bộ thẻ căn cước sẽ hoàn thành từ nay đến hết tháng 9. Công tác bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế hệ thống, bảo đảm đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4; đường truyền và các phương án bảo mật đã được bố trí từ Trung ương đến cấp xã.
Động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số
Cũng tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, có được kết quả đó là do có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân;sự nỗ lực, cố gắng của các Nhà thầu, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng Công an Nhân dân từ Trung ương tới cơ sở. Có thể nói kết quả của 2 dự án là rất quan trọng, nhất là trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức khách quan do đại dịch Covid-19 tác động và lực lượng Công an đồng thời cùng lúc phải triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.
  Các đại biểu tại lễ công bố vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc hoàn thành xây dựng CSDLQG về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã, đang và sẽ mạng lại nhiều hiệu quả to lớn đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và Nhân dân, nhất là sẽ tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách. Việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp điện tử sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ khác, đồng thời mở ra nhiều cơ hội trong triển khai các dịch vụ liên quan đến xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT...
Ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” như tiêu chí mà Bộ Công an đã đặt ra, hệ thống CSDLQG về dân cư sẽ giúp các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị xã hội có dữ liệu gốc làm nền móng để triển khai những ứng dụng chuyên ngành thiết thực và phát triển những dữ liệu quan trọng khác trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Hệ thống CSDLQG về dân cư là nền tảng quan trọng, là điều kiện tối cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Với sự nỗ lực hết mình trong thời gian qua, lực lượng công an cả nước đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành “làm sạch” dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả 2 Dự án, Công an Hà Nội đã chủ động tham mưu cho UBND TP chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, các sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia phối hợp lực lượng công an trong việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và cấp thẻ CCCD gắn chip. Công an TP đã phát động đợt thi đua đặc biệt, thực hiện thắng lợi “chiến dịch” thu nhận trên 6 triệu hồ sơ CCCD gắn chip trên địa bàn. Qua đó, đã khen thưởng cho gần 200 tập thể và cá nhân có thành tích tốt trong công tác này.

Công an Hà Nội đã huy động gần 5.000 CBCS trực tiếp tham gia thực hiện 2 Dự án, ngoài ra chưa kể số Cảnh sát khu vực, Công an xã cả chính quy và bán chuyên trách hỗ trợ trong quá trình cấp CCCD lưu động tại địa bàn quản lý; đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho số cán bộ trên về quy trình thao tác, vận hành thiết bị của 2 Dự án để đáp ứng yêu cầu thực tế… Tính đến ngày 20/6, Công an TP đã hoàn thành việc thu nhận 4,633 triệu hồ sơ cấp CCCD; đã làm sạch 96,59% dữ liệu dân cư cùng rất nhiều chỉ tiêu trong công tác nghiệp vụ đã hoàn thành được đánh giá, ghi nhận bằng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.