Vận hành khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chờ Hội đồng Kiểm tra Nhà nước phê duyệt

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã thi công xong, kết thúc chạy thử và được cấp chứng nhận an toàn nhưng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác do chưa được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước phê duyệt. Đây chính là vướng mắc lớn nhất và gần như duy nhất còn tồn tại ở dự án này.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đủ điều kiện khai thác nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động. Ảnh: Tuấn Anh
Đủ điều kiện để khai thác thương mại
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây có thể coi là văn bản giải trình chi tiết và đầy đủ nhất của Bộ GTVT về công tác nghiệm thu công trình xây dựng với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, Bộ GTVT thừa nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn một số tồn tại song không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình. Công trình cũng đảm bảo đủ điều kiện khai thác an toàn. Điều này được thể hiện qua việc Tư vấn ACT đã đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Dù đưa ra 16 khuyến cáo nhưng Tư vấn ACT vẫn khẳng định dự án đủ điều kiện an toàn đưa vào vận hành khai thác. Đối với những khuyến cáo của Tư vấn ACT, Bộ GTVT khẳng định, một số nội dung đã được khắc phục, một số sẽ được hoàn thiện khi đưa vào vận hành thương mại.
Liên quan đến vấn đề lệch pha giữa “tiêu chuẩn châu Âu” và “tiêu chuẩn Trung Quốc” trong quá trình đánh giá an toàn hệ thống cho dự án mà dư luận rất quan tâm trong thời gian qua, Bộ GTVT cho hay, chiếu theo tiêu chuẩn châu Âu (tiêu chuẩn tư vấn ACT đã áp dụng), chứng nhận an toàn được tính trên rủi ro theo vòng đời với 14 giai đoạn, từ khi thiết kế tới thi công, vận hành, kết thúc hoạt động. Quá trình đó, các tiêu chuẩn an toàn được xác định từ đầu làm căn cứ triển khai, xây dựng, khai thác và được cập nhật thường xuyên tới khi dừng khai thác và thanh lý.

Trong khi đó, với Trung Quốc, quy trình trên được thực hiện từ năm 2013 nhưng chỉ áp dụng với hệ thống tín hiệu (không áp dụng với phần xây dựng, đoàn tàu...). Một số nội dung được bổ sung tương tự tiêu chuẩn châu Âu nhưng mới áp dụng từ tháng 10/2020. Chỉ có điều, đây là thời điểm dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã xây dựng xong. Bộ GTVT khẳng định kết quả đánh giá an toàn hệ thống của Tư vấn ACT được chủ đầu tư chấp thuận trên cơ sở tiêu chuẩn năm 2013 là phù hợp, tương đồng các dự án tại Trung Quốc thực hiện cùng thời điểm.

Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn khi khai thác

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, vấn đề lệch pha giữa “tiêu chuẩn châu Âu” và “tiêu chuẩn Trung Quốc” tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nếu giải quyết một cách triệt để thì rất khó. Do đó, việc Bộ GTVT chấp thuận kết quả đánh giá an toàn hệ thống của Tư vấn ACT trên cơ sở tiêu chuẩn năm 2013 là hợp lý.
“Điều quan trọng nhất là đảm bảo làm sao khi dự án đưa vào khai thác sẽ an toàn nhất còn “tiêu chuẩn châu Âu” hay “tiêu chuẩn Trung Quốc” lúc này cũng chỉ đơn thuần là cách gọi mà thôi” - TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông nhận định.

Theo chuyên gia giao thông này, hiện nay, việc đánh giá an toàn hệ thống cho các dự án đường sắt đô thị vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn thống nhất trên thế giới. Thế nên nếu cứ giải quyết vướng mắc về vấn đề “tiêu chuẩn Trung Quốc” và “tiêu chuẩn châu Âu” tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông một cách máy móc, rập khuôn thì câu chuyên sẽ khó có hồi kết.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng là dự án khai thác phải an toàn. “Xét cho cùng thì những tiêu chuẩn được đưa ra cũng chỉ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi đi tàu điện. Thế nên chỉ cần đảm bảo tàu chạy an toàn tuyệt đối là được” - PGS.TS Ngô Trí Long nói và cho rằng, tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT là chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm cao nhất. Khi Bộ khẳng định dự án đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để khai thác thương mại thì không phải không có cơ sở.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại càng sớm càng tốt. Bởi dự án này đã vỡ tiến độ quá nhiều lần, đội vốn lên nhiều nên nếu càng dùng dằng kéo dài sẽ càng thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình