Chính vậy mà đối với mọi quốc gia, ở bất cứ hình thái xã hội nào, thể chế chính trị nào thì văn hóa phải là nền tảng hệ trọng nhất cho sự phát triển.
Đặc biệt, trong bối cảnh “thế giới phẳng” ngày nay, khi mà nhiều khoảng cách và ranh giới bị xóa nhòa, việc xác lập bản chất và đường đi của một nền văn hóa mới là điều kiện tiên quyết, hay nói cách khác là làm sao để hòa nhập mà không hòa tan.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.”
Quan điểm này là sự tiếp nối và minh chứng cho những luận điểm quan trọng đã được nêu trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và đặc biệt là chân lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946): “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
‘Sợi chỉ đỏ’ xuyên suốt lịch sử dân tộcNăm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương văn hóa Việt Nam. Đây là cương lĩnh về văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện quan điểm của Đảng về vị trí của văn hóa đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trước cách mạng, nhiều trí thức, văn nghệ sỹ ít nhiều cảm thấy bế tắc trong sáng tạo, nhưng khi bắt gặp tư tưởng cứu quốc “Tổ quốc trên hết” trong Đề cương văn hóa họ đã hăng hái đi theo cách mạng và kháng chiến. Điều này thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu với những câu thơ bất hủ: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt Trời chân lý chói qua tim.”
Những luận điểm của đề cương này đã được soi tỏ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát hóa thành chân lý có giá trị vô cùng sâu sắc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi,” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ngày 24/11/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc thời bấy giờ.
Luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin… Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi…”
Người nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người cũng kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam “hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng.”
Trong suốt thời kỳ kháng chiến, Đảng đã mở ra một số hội nghị quan trọng nhằm xây dựng và hoàn thiện đường lối văn hóa kháng chiến, trong đó có Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948, tại Phú Thọ. Đây cũng là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hoá.
Tiếp đó, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25/7/1948. Hơn 80 đại biểu của các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến đã về dự, chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau hội nghị, các văn nghệ sỹ nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt…”
Do điều kiện chiến tranh, hình thức hội nghị văn hóa toàn quốc không còn được tổ chức, nhưng quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa tiếp tục xây dựng, bổ sung, phát huy trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Lần đầu tiên Đảng khẳng định “Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển.” Quan điểm này là định hướng cơ bản cho phát triển bền vững đất nước, nếu không sẽ có những lệch lạc về tư tưởng, khủng hoảng xã hội.
Chương trình nghệ thuật trong giai đoạn giãn cách xã hội do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức. (Ảnh: Minh Khánh/Vietnam+) |
Năm 2014, công nghiệp văn hóa được chính thức đề cập trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Đây là bước tiến mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn. Với quan điểm mới này, giá trị, bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên vô giá, tạo ra doanh thu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, mà còn củng cố “sức mạnh mềm” giúp nâng cao thương hiệu vùng miền, quốc gia.
Gần đây nhất, các văn kiện của Đảng tại Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh vai trò của “sức mạnh mềm.” Qua hàng ngàn năm lịch sử, lòng yêu nước, yêu hòa bình, đoàn kết, nhân ái, ý chí tự cường và khát vọng cống hiến đã dìu dắt cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa,” đưa đất nước vượt qua bao gian nan thử thách và tiếp tục tạo thành “căn cước văn hóa” của quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Khơi thông “dòng chảy” văn hóaSau đúng 75 năm kể từ ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, ngày 24/11 tới đây, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, giới văn nghệ sỹ và nhân dân mong đợi sự kiện này sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng” của ngành văn hóa.
Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị sẽ rút ra những bài học thành công, cũng như nhìn thẳng vào các khuyết điểm, yếu kém trong phát triển văn hóa, xây dựng con người đồng thời đưa ra những quan điểm, chủ trương mới về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay hội nghị sẽ là kim chỉ nam để tiếp tục đưa văn hóa Việt Nam phát triển, tiếp tục tạo ra vị thế riêng và hòa vào dòng chảy của thời đại.
“Từ thực tế sinh động và biến đổi phức tạp, muôn hình muôn vẻ của đời sống văn hóa hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đổi mới và chú trọng những vấn đề then chốt. Trên cơ sở một nền kinh tế phát triển vững mạnh với mục tiêu hướng về phục vụ cho lợi ích của số đông, môi trường được bảo vệ, với một nền chính trị lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch, văn hóa Việt Nam chắc chắn sẽ đóng góp xứng đáng với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, được xây dựng và phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước,” Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.
Trong khi đó, theo tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những thông điệp quan trọng về văn hóa sẽ được đưa ra tại hội nghị lần này, mở ra một thời kỳ phát triển văn hóa mới của đất nước.
Phân tích bối cảnh diễn ra hội nghị, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới. Bức tranh tổng thể của văn hóa sau 35 năm đổi mới đã mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn.
Song, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng “bức tranh văn hóa” trong những năm vừa qua vẫn còn những mảng màu kém tươi sáng. Hệ giá trị của người Việt Nam trong xã hội đương đại đang có nhiều biến đổi, có cả chiều hướng tiêu cực. Hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thể chế văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và chưa hiệu quả. Các văn bản pháp luật về văn hóa nhiều khi chưa theo kịp với tình hình thực tiễn, việc tổ chức thực hiện còn yếu, một số văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Mặt khác, cũng theo tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, nhiều sản phẩm văn hoá không phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, thậm chí độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, lối sống của một phần không nhỏ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một số tác phẩm, lý tưởng xã hội, thẩm mỹ không rõ nét, chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện những tác phẩm mang tư tưởng chống đối, phá hoại hệ giá trị tư tưởng thông qua các hình thức nghệ thuật mới.
“Dù trải qua 75 năm nhưng những bài học của việc tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc vẫn còn nguyên giá trị. Khi Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sỹ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, khi văn nghệ sỹ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyên vọng của mình, đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước,” ông nói.
Chia sẻ với phóng viên, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 không chỉ nhìn lại 75 năm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi,” 35 năm đất nước đổi mới, mà còn là sự khẳng định sức mạnh tinh thần của văn hóa trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực chống dịch hiện nay.
Thực tế đã cho thấy rõ ràng, trong gian khó, những phẩm chất cao quý của người Việt như tình yêu nước, nghĩa đồng bào càng bừng sáng hơn bao giờ hết. Khi Tổ quốc gọi, từ các y, bác sỹ nghỉ hưu đến sinh viên y khoa đều sẵn sàng lên đường chống dịch, những người dân bình thường sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ những người khó khăn hơn… Máy thở, ATM gạo, ATM ôxy, siêu thị 0 đồng, những bữa cơm nghĩa tình đã cho thấy sức mạnh dân tộc được tạo nên từ những điều giản dị.
“Giữa cuộc chiến chống COVID-19, việc Đảng và Nhà nước có chủ trương tổ chức hội nghị là một hành động thiết thực, nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong đời sống chính trị-xã hội. Hội nghị sẽ hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể là những mục tiêu về văn hóa, xây dựng con người, phát triển hoàn thiện nhân cách con người,” ông nói.
Ông khẳng định xây dựng văn hóa và con người văn minh tức là đảm bảo nguồn lực, nền tảng cho những thắng lợi của đất nước.
“Là văn nghệ sỹ, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào với truyền thống văn hóa mà Bác Hồ đã xây dựng và chỉ ra từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Tròn 75 năm, nhìn lại cả chặng đường phát triền, chúng ta thấy rằng giới văn nghệ sỹ luôn đồng hành cùng dân tộc, trải qua các giai đoạn của lịch sử cách mạng, để lại rất nhiều tác phẩm trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tới đây, những người làm văn hóa sẽ có cơ hội ‘hiến kế’ để những chính sách, Nghị quyết thực sự đi vào đời sống văn hóa của dân tộc,” ông chia sẻ./.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay hội nghị sẽ là cơ hội để tiếp tục đưa văn hóa Việt Nam phát triển, tiếp tục tạo ra vị thế riêng và hòa vào dòng chảy của thời đại. |