Văn hóa doanh nghiệp: Cốt lõi để phát triển bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) hiện đã thấm sâu vào quan hệ DN với bạn hàng, khách hàng với cơ quan quản lý nhà nước, cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng VHDN hiện đang là yêu cầu cấp thiết để DN phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Nếu thiếu yếu tố này, DN khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.

 Khách thăm quan gian hàng của các DN tại hội chợ hàng công nghiệp 4.0 ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp - Phó Chủ tịch Hiệp hội VHDN Việt Nam (VNACB), mỗi DN xây dựng một VHDN trên nền tảng bản chất trong quản lý, từ sản phẩm đến con người và đóng góp xã hội mới là phát triển bền vững. Những DN đang phát triển rất tốt như hiện nay đều có triết lý riêng của mình, đơn cử như VinGroup là xã hội học tập, FPT là văn hóa mở để mọi người được cống hiến… Tuy nhiên, để làm được cũng rất cần tuyên truyền để nhân rộng các mô hình làm sao từ VHDN thành văn hóa quốc gia, thành thương hiệu quốc gia. Đồng quan điểm này, PGS. TS Phạm Thị Tuyết - Chánh Văn phòng VNACB, để DN phát triển bền vững, bên cạnh việc phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh cụ thể; xây dựng cho mình một hệ thống quản trị DN hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì mỗi DN phải tự tạo bản sắc văn hóa góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu, thu hút, phát triển và duy trì đội ngũ nhân viên đồng lòng, gắn bó cùng DN.
Một DN thiếu vốn có thể đi vay, thiếu chiến lược có thể mời tư vấn, thiếu nhân sự thì tuyển dụng, đào tạo… nhưng không thể bỏ tiền để mua sự đồng cam cộng khổ, sự gắn bó của đội ngũ nhân viên. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, việc xây dựng VHDN là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi DN, cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực.

VHDN có tính phổ biến nhưng có tính cá biệt đặc sắc. Do đó, có 3 yêu cầu về VHDN là tính truyền thống, cam kết hội nhập và bản sắc riêng. Những giá trị trên cần hội tụ để trở thành một giá trị phổ quát. Các DN cũng cần phải tuân thủ pháp luật, lấy khách hàng làm thượng đế, khách hàng là tài sản của mình, không có chuyện buôn bán kinh doanh chộp giật. Bản sắc riêng của DN nằm ở sự sáng tạo. Điểm yếu của DN Việt Nam là tính chủ động, tuân thủ và tự giác tự thân. Nhiều DN chưa nâng tiêu chuẩn của mình theo quy chuẩn quốc gia. Tính đồng bộ cũng chưa đầy đủ và còn coi nhẹ xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, VHDN sẽ tác động đến văn hóa quản lý, nghĩa là có những DN làm ra sản phẩm tốt, có những DN làm ra sản phẩm chưa tốt đưa ra thị trường, đến người dân còn phân biệt được, chứ nói gì đến các cơ quan quản lý có chuyên môn lại không biết.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, VHDN tồn tại, gắn kết với văn hóa quản lý, thậm chí là còn chi phối văn hóa quản lý. VHDN sẽ được thúc đẩy bởi văn hóa quản lý Nhà nước. Nếu văn hóa quản lý lành mạnh, VHDN cũng lành mạnh và ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng “bôi trơn” hiện nay vẫn phổ biến trong tâm lý của không ít DN. Điều này đến từ việc DN nào cũng muốn chen ngang lấy lợi ích. Chính vì vậy, trong VHDN cần chú ý đến chuẩn mực văn hóa quản lý Nhà nước để xóa bỏ lợi ích nhóm và hỗ trợ tốt hơn cho VHDN. Với vai trò quản lý thường xuyên tiếp xúc với các chủ thể DN, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho rằng, vai trò VHDN đã và đang khẳng định được tầm quan trọng đối với sự phát triển của DN. Điều đó càng khẳng định, chủ trương của Chính phủ về xây dựng VHDN là hết sức đúng đắn đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh. Ngoài mục tiêu mang lại lợi nhuận cho DN, VHDN cũng đem lại lợi ích cho các thành viên, không xâm hại đến cộng đồng thông qua các chính sách xây dựng văn hóa ứng xử, tôn trọng pháp luật về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội (đối với khu dân cư DN đóng trên địa bàn, với người nghèo…).