Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa doanh nghiệp qua bộ tiêu chí

Linh Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/11 đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Văn hóa DN Việt Nam.

Làm sao để văn hóa DN không mang tính hình thức mà là những việc làm thiết thực, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với đại sứ Trần Trọng Toàn – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam.
Gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa DN như: Con ruồi trong chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát, xả thải gây ô nhiễm biển của Formosa, tung tin nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng… Theo ông, những mặt tiêu cực trong văn hóa DN ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của DN?
- Vấn đề vừa nêu là một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa DN. Bởi vì chúng ta không xây dựng được văn hóa DN mà để những sơ xuất, khiếm khuyết trong kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng. DN có tồn tại được hay không là do người tiêu dùng. Nếu bị người tiêu dùng tẩy chay thì DN không thể tồn tại, đây là những chuẩn mực không chỉ của quốc gia mà quốc tế. Văn hóa DN đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển. Các nhà nghiên cứu cho rằng DN thị trường đang cạnh tranh bằng nguồn vốn, bằng chiến lược kinh doanh, bằng năng suất chất lượng hiệu quả; có DN nào, kể cả DN vừa và nhỏ, xây dựng được văn hóa DN tốt thì họ sẽ thắng trong cạnh tranh, nên văn hóa DN là yếu tố quyết định hàng đầu trong cạnh tranh.
Nhưng ở Việt Nam khái niệm về văn hóa DN còn khá mơ hồ. Với vai trò là cơ quan định hướng, thời gian tới Hiệp hội phát triển văn hóa DN Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng văn hóa DN Việt mang những phẩm chất gì?
- Ở Việt Nam, có rất nhiều vấn đề liên quan văn hóa DN khiến chúng ta phải khắc phục hàng ngày hàng giờ, ví dụ như hàng nhái hàng giả, thực phẩm bẩn, trốn thuế, buôn lậu ảnh hưởng đến môi trường, không thực hiện những vấn đề trách nhiệm xã hội… Tiêu chí xây dựng văn hóa DN Việt trong thời gian tới là vừa hiện đại đuổi kịp các xu thế của thế giới, nhưng phát huy được truyền thống tốt đẹp của văn hóa DN Việt Nam. Có rất nhiều chuẩn mực văn hóa kinh doanh của quốc tế mà chúng ta cần phải theo ví dụ như: Sản xuất ra hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, trách nhiệm với người tiêu dùng, đặc biệt trách nhiệm hậu mãi. Chúng ta thấy thời gian vừa qua Samsung đã thu hồi nhiều máy điện thoại do lỗi pin, tập đoàn Honda thu hồi hàng triệu ô tô; đó là trách nhiệm hậu mãi với người tiêu dùng. Vấn đề nữa của DN là phải bảo vệ môi trường, chúng ta không vì sản xuất mà thải loại ra hủy hoại, tàn phá môi trường. Tựu chung lại là vấn đề đạo đức kinh doanh.
Nếu chỉ nói đạo đức kinh doanh thì rất chung chung, Hiệp hội có dự định xây dựng chuẩn mực hay tiêu chí nào để đánh giá?
- Sau Lễ phát động xây dựng văn hóa DN Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ VHTT&DL và Hiệp hội sẽ phải đề ra bộ tiêu chí để xác định DN đạt chuẩn văn hóa, doanh nhân đạt chuẩn văn hóa. Bộ tiêu chí này phải dựa theo các chuẩn mực chung của thế giới, ví dụ như: Triết lý, mục tiêu, chiến lược kinh doanh; ứng xử giữa lãnh đạo và nhân viên, người tiêu dùng và đối tác, khách hàng, trách nhiệm xã hội thế nào. Bộ tiêu chí này sẽ nhận dạng văn hóa DN Việt.
Một số nước phương Tây đã đề ra các giải thưởng tôn vinh văn hóa DN. Theo ông Việt Nam có nên học hỏi?
- Đây là sáng kiến hay. Xây dựng văn hóa DN không chỉ là nhiệm vụ của DN (cho dù DN phải là trung tâm), trách nhiệm nữa phải là của các cơ quan quản lý Nhà nước và của hệ thống chính trị để hỗ trợ cho các DN Việt xây dựng văn hóa DN.
Xin cảm ơn ông!