Từ năm 2021 trở về trước, ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Từ năm 2022, ngày 21/4 được đổi thành "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam". Đây có thể xem như sự nâng cấp, làm sâu sắc thêm ý nghĩa của hoạt động mang tính thường niên này.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, tại Phố sách Hà Nội từ ngày 15 - 23/4 diễn ra chuỗi hoạt động đặc sắc để hiện thực hóa mục tiêu "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc". Hy vọng, những hoạt động nói trên cũng như việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" sẽ góp phần tôn vinh giá trị của sách và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Chúng ta đều biết tác dụng tích cực của thói quen đọc sách và phát huy văn hóa đọc nói chung với việc phát triển trí tuệ, tình cảm và nhân cách của con người.
Nghiên cứu của các chuyên gia tại trường Đại học Princeton (Mỹ) chỉ ra rằng, những người thành đạt và có công việc ổn định thường có thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Theo số liệu khảo sát với 256 người trưởng thành, có đến 198 người (77,34%) cho rằng, thói quen đọc sách từ nhỏ đã mang đến một số tác động tích cực trong việc phát triển bản thân ở tương lai. Còn người Phần Lan, công dân của đất nước 5 năm liền là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, cũng nổi tiếng là ham đọc sách.
Để có được điều đó, các gia đình Phần Lan luôn cho con cái làm quen với thư viện từ khi các bé mới chỉ 2 - 3 tuổi. Khi đi học, thư viện thường tổ chức các buổi đọc truyện cho các bé nghe. Đó được coi là một trong những nguyên nhân khiến giáo dục Phần Lan cũng trở thành nền giáo dục hàng đầu và là điểm đến mơ ước cho nhiều du học sinh.
Một trong những lợi ích đầu tiên của việc đọc cho trẻ em chính là việc cải thiện sự tập trung. Khi có thói quen đọc sách, các bé sẽ có sự tập trung cao độ, hứng thú tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ. Việc đọc sách hàng ngày cũng sẽ giúp trẻ tích lũy vốn từ vựng phong phú, đa dạng, giúp các bé có được một trí tưởng tượng phong phú làm quen với việc động não suy nghĩ về những ý tưởng mới, đầy sáng tạo. Trẻ sẽ tránh được cảm giác nhàm chán trong việc học tập hay việc làm sau này.
Một lợi ích nữa, khá thực tế trong điều kiện hiện nay khi mà thanh thiếu niên dành khá nhiều thời gian cho tivi, smartphone, ipad, thậm chí là nghiện thiết bị điện tử thông minh. Đó là thói quen đọc sách, những hoạt động thú vị mà sách mang lại sẽ giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với tivi, smartphone… tránh được những hệ lụy đôi khi ảnh hưởng trầm trọng tới cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Tác dụng tích cực của thói quen đọc sách đã rõ, vấn đề là phải làm sao để tạo dựng thói quen đó, rộng hơn là hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng, xã hội. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, văn hóa đọc ở Việt Nam những năm gần đây đã bị mai một. Cũng phải dũng cảm mà nhìn nhận, một trong những nguyên nhân của sự mai một đó là sự thiếu vắng những ấn phẩm có chất lượng cao, trước hết là những cuốn sách hay, hấp dẫn bạn đọc. Tình trạng đó cũng đang tồn tại với bạn đọc nhỏ tuổi. Bằng chứng là những cuốn sách hay của nước ngoài vẫn thu hút người đọc ở nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội.
Muốn phát triển văn hóa đọc, tức là làm cho người dân đến với sách, có nhiều việc phải làm, song trước hết phải có những cuốn sách hay.
Mặt khác, thói quen đọc sách cũng phải hình thành từ nhỏ. Chính vì vậy, trước hết cần có những cuốn sách hay cho trẻ nhỏ.
Có sách hay cho trẻ nhỏ, tạo thói quen đọc sách cho các em, đó chính là một phương thức xây dựng, chấn hưng văn hóa đọc từ gốc vậy!