Văn hoá - du lịch vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai sau 320 năm hình thành và phát triển

Mỹ An - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đánh dấu một bước phát triển mới trên chặng đường khẳng định mình, Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực nhân dịp vùng đất tròn 320 tuổi. Đây cũng là dịp quan trọng để quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hoá của quê hương, của nơi họ đang sinh cơ lập nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND tỉnh, ngày từ đầu năm 2018, nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực đã được thực hiện. Thông qua các phương tiện truyền thông, công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ kỷ niệm được tiến hành thường xuyên liên tục. Treo băng rôn, khẩu hiệu tại các tuyến phố. Cùng với đó là tuyên truyền chính trị, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. 
 Tiềm năng, thành tựu của một vùng đất giàu truyền thống
Ngược dòng lịch sử, vào năm Mậu Dần 1698 Chúa Nguyễn đã sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất mới khai khẩn Đông Phố thành phủ Gia Định và chia thành 2 huyện, gồm: Phước Long (Đồng Nai ngày nay) dựng dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình (Sài Gòn) dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó đến nay đã thấm thoắt 320 năm trôi qua. Đồng Nai giờ là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có diện tích đứng thứ nhì sau tỉnh Bình Phước và có dân số lớn thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng Nai là một trong ba góc nhọn của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và cách Thành phố Hồ Chí Minh 30 km, Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư hệ thống giao thông dày đặc, xuyên suốt Bắc - Nam. Mới đây, địa phương tiếp tục xâu dựng đề án quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm tăng tính kết nối với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh.

 Công trình đoạn đường vào cổng Trung đoàn 935 chào mừng 320 năm Biên Hòa Đồng Nai.
Theo đó, hàng loạt công trình giao thông quan trọng đã và đang được triển khai như: Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch,... Tỉnh cũng mở nhiều tuyến đường liên tỉnh tạo sự thuận tiện, đồng nhất trong sinh hoạt và kinh doanh.
Tưng bừng lễ hội kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển
Hoạt động văn hoá - du lịch đã được tổ chức và được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận như: triển lãm ảnh, hiện vật về văn hoá, con người Đồng Nai; tổ chức cuộc thi bình chọn 10 cảnh đẹp du lịch Đồng Nai và 10 sản vật tiêu biểu Đồng Nai năm 2018; phát hành nhiều đầu sách lớn, gồm: "Sáng ngời phẩm chất anh hùng", "Di sản mộ hợp chất trên đất Biên Hoà - Đồng Nai thời kỳ trung đại và cận đại"; phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Biên Hoà - Đồng Nai; cải tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử quan trọng; cải tạo, chỉnh trang lại tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị và xây dựng phố sách tại khu vực này; tổ chức triển lãm chủ đề "Biên Hoà xưa và nay" với những làng nghề thủ công; thi trang trí đèn lồng trong các trường học; phát hành đặc san chào mừng,... Mặt khác, địa phương còn khởi công và hoàn thành nhiều công trình, dự án lớn, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao nhu cầu hưởng thụ cho người dân. Xuyên suốt năm 2018, nhiều chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ đặc sắc như: giao lưu Đờn ca tài tử, liên hoan ẩm thực, hội chợ xúc tiến thương mại,... đã diễn ra sôi nổi, thu hút được sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới. Qua các sự kiện này, "Hào khí Đồng Nai" đã được tái hiện, trở thành động lực để Đảng bộ, nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng địa phương thành một điểm sáng kinh tế - xã hội trong cả nước.

 
Ý tưởng đưa chèo đến với lễ hội 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai được ông Vũ Văn Trường - TGĐ Công ty Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở Nam Định - nổi tiếng với những làn điệu chèo - nên ông rất nặng lòng với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Với Đồng Nai - nơi ông đặt nhiều tình cảm - "Hào khí Đồng Nai" được ông "cảm" sâu sắc hơn qua vế câu đối của GS Vũ Khiêu - người cha nuôi mà ông vô cùng kính trọng: "Văn miếu ngàn năm văn hiến - Đồng Nai vạn đại anh hùng" .
 
Trọng tâm lễ kỷ niệm diễn ra vào tối 28/12/2018 tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Bên cạnh những hoạt động nghệ thuật truyền thống, đa dạng của Nam Bộ, đặc biệt có chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định. Chương trình gồm một số tiết múc ca múa nhạc cùng hai trích đoạn vui: Nghêu Sò Ốc Hến, Thị Mầu lên chùa và ba giá hầu đồng tiểu biểu (Cô Đôi Thượng Ngàn, Chúa Thác Bờ và Cô Bé). Đây thực sự là cơ hội quý giá để Chèo - đặc sản truyền thống xứ Bắc Kỳ đến với khán giả Nam Kỳ - quê hương của Cải lương và Đờn ca tài tử. Đồng thời là sự giao thoa văn hóa đầy ý nghĩa giữa nghệ thuật truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng đất đỏ miền Đông.
Trong khuôn khổ chương trình, Nhà hát Chèo Nam Định sẽ biểu diễn phố tại đi bộ Nguyễn Văn Trị (tối 27/12), Văn Miếu Trấn Biên (tối 29/12) và Khu Công nghiệp, phường An Bình (tối 30/12) với các tiết mục như: diễn xướng ba giá hát văn hầu đồng (Cô Đôi Thượng Ngàn, Chúa Thác Bờ và Cô Bé), trích đoạn Thị Mầu lên chùa, trích đoạn Nghêu - Sò - Ốc - Hến cùng nhiều tiết mục hát múa tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật Chèo. Ngoài ra, Nhà hát Chèo Nam Định biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 935 – sư đoàn 370, Lữ đoàn pháo binh 75 cùng một số đơn vị khác. Đây thực sự là món quà nghệ thuật truyền thống nhiều ý nghĩa và quý giá với cán bộ, chiến sĩ nói riêng, người dân Biên Hòa nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần