Ý thức chưa cao
Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì TNGT trên cả nước. Học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT kể trên. Tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng.
Ông Tạ Đức Giang - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT thành phố Hà Nội, cho biết: “Hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe máy, xe điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, bóp còi inh ỏi,... diễn ra ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều trường hợp lạng lách, đánh võng, đem theo hung khí khi tham gia giao thông. Tâm lý manh động, chống người thi hành công vụ cũng thể hiện rất rõ ở lứa tuổi này”.
Bên cạnh đó, hiện tượng học sinh chưa đủ 18 tuổi sử dụng xe máy trên 50 phân khối cũng ngày càng tăng. Nếu đến bãi gửi xe của các trường THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội, sẽ dễ dàng nhận thấy tình trạng này.
Một lỗi vi phạm giao thông khác thường gặp ở đối tượng học sinh, sinh viên là sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Thói quen điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng đồ uống có cồn cần phải thay đổi để hạn chế các trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Văn hoá giao thông ở học sinh, sinh viên hiện nay còn kém là do sự thiếu hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của người trẻ chưa cao.
Nhận thức yếu kém về nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia giao thông, cộng với tâm lý bốc đồng của tuổi mới lớn khiến không ít người trẻ sẵn sàng phạm luật, gây ảnh hướng tới bản thân, gia đình và cả những người xung quanh.
Văn hóa tham gia giao thông của giới trẻ hiện nay chưa tốt, một phần do thiếu sự quan tâm, giáo dục và quản lý từ các bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ còn cho con đi xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe.
Bên cạnh gia đình, việc giáo dục ý thức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng chưa được quan tâm đúng mức. Các chế tài tại trường học áp dụng đối với vi phạm của học sinh, sinh viên không đủ mạnh để răn đe. Việc xử lý không được thực hiện thường xuyên, liên tục nên chưa tạo được thói quen tham gia giao thông văn minh cho học sinh.
Vấn đề TNGT ở thanh thiếu niên đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tuy nhiên việc giáo dục về văn hoá giao thông, ATGT lại chưa đem lại hiệu quả.
Thay đổi phương pháp giáo dục
Phổ biến nhận thức về ATGT, tạo nền tảng cho văn hoá giao thông ngay từ trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ người trẻ trước hiểm họa khôn lường của TNGT.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, các hình thức tuyên truyền, giáo dục về văn hóa tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên cần có nhiều sự đổi mới, phù hợp với thị hiếu của người trẻ.
Mới đây, Văn phòng Ban ATGT thành phố Hà Nội phối hợp trường THCS Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT cho giáo viên, đại diện phụ huynh và toàn thể học sinh nhà trường.
Việc sử dụng công nghệ hiện đại để truyền tải kiến thức về ATGT mang đến những trải nghiệm chân thực, để lại ấn tượng mạnh mẽ. Từ đó sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao văn hoá của thanh thiếu niên khi tham gia giao thông.
Tại buổi tuyên truyền, báo cáo viên đã thông tin về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố. Nhấn mạnh những nguyên nhân dẫn đến TNGT và hậu quả do nó gây ra. Qua hình thức giao lưu trực tiếp, đặt ra những câu hỏi tình huống sát với thực tế, đã giúp các bạn học sinh nắm rõ hơn về hệ thống biển bảo, quy tắc và kỹ năng để tham gia giao thông an toàn.
Hay như “Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông”, sử dụng kính thực tế ảo để học viên tận thấy tác động của rượu bia khi lái xe đang được triển khai thí điểm tại một số trường đại học.
Bạn Nguyễn Đức Hiển, sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ: “Trải nghiệm kính thực tế ảo, hình ảnh 360 độ với vai trò là người lái xe có nồng độ cồn trong người tăng dần và các tình huống có thể gặp phải khiến mình vô cùng ấn tượng. Mình rất bất ngờ với những hình ảnh được thấy và tự hứa sẽ không bao giờ lái xe khi đã sử dụng rượu bia”.
Các chuyên gia nhận định rằng, sử dụng kính thực tế ảo để trải nghiệm sẽ tác động mạnh vào thị giác; qua đó khiến người học hiểu rõ về nguy cơ xảy ra TNGT. Mô hình giáo dục, đào tạo kiến thức về ATGT này rất hiện đại và hiệu quả.
Bên cạnh đó, một nguồn lực sẵn có mà các cơ quan chức năng, các đơn vị có thể tận dụng để tiếp cận gần hơn với người trẻ chính là thông qua các trang mạng xã hội.
Phát huy thế mạnh của mạng xã hội, cập nhật thông tin, hình ảnh về TNGT; xây dựng kế hoạch tuyên truyền về ATGT... trên mạng xã hội sẽ gần gũi với giới trẻ và có thể đem đến hiệu quả thay đổi về nhận thức tốt hơn.
Bên cạnh những hình thức tuyên truyền, giáo dục thì việc quản lý và xử phạt các hành vi vi phạm giao thông của thanh thiếu niên cũng cần được siết chặt hơn nữa. Xử phạt nghiêm khắc cũng là cách khiến người trẻ ghi nhớ hơn về các quy định khi tham gia giao thông, nâng cao văn hoá giao thông với đối tượng học sinh, sinh viên.