Không gian của sự hòa nhập
Không phải năm nào thời khắc chuyển giao năm mới những màn pháo hoa cũng được trình diễn trên các địa điểm vui chơi của Hà Nội, thứ chào mừng hấp dẫn đó vẫn được dành chủ đạo trong dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, ở Hà Nội có lễ hội đếm ngược và những đại tiệc âm nhạc để chào mừng Tết Dương lịch.
Countdown Party - lễ hội đếm ngược chào năm mới xuất hiện ở Hà Nội khoảng gần 10 năm trở lại đây nhưng đã thành điểm hẹn, nhân rộng ra nhiều khu vực chứ không chỉ gói gọn ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hay Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Với những màn trình diễn đỉnh cao cùng hàng loạt trải nghiệm bất ngờ chưa từng thấy, Countdown Party thật sự là bữa tiệc của âm nhạc, của âm thanh và ánh sáng. Giới trẻ thỏa sức hát rock, nhảy dance, hip hop… từ 20 giờ đến tận thời khắc chuyển giao sang năm mới.
Năm 2016, khi Countdown Party sập sình ầm ĩ tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội với sự tham gia của hơn 500.000 khán giả, nhiều người đã ra sức phê phán.
Bởi vì trong tâm thức của người dân, Hà Nội phải là sự trầm tĩnh, kể cả trong cách đón Tết, không thể mang thứ âm nhạc chói tai đưa ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Nhưng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Hà Nội đang phát triển rất mạnh mẽ, cư dân Thủ đô ngày nay là sự tổng hòa của rất nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có cả người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Vì vậy, không có lý do gì mà Hà Nội bao mình trong sự trầm tĩnh, không mở cửa để hội nhập. Thể hiện sự hội nhập đầu tiên chính là văn hóa, mời gọi những nét hay, nét đẹp của văn hóa phương Tây cũng chính là cách làm cho Hà Nội thêm quyến rũ và hấp dẫn du khách.
Cũng chính từ lễ hội Countdown Party cách đón Tết của người Hà Nội nay khác xưa rất nhiều. Người dân không chỉ còn coi đây là dịp nghỉ thông thường mà hòa mình trong các hoạt động vui chơi sôi động. Sân khấu âm nhạc được dựng lên ở khắp nơi, từ nhà văn hóa quận, huyện đến các quảng trường lớn như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trung tâm thành cổ Sơn Tây. Nhiều di sản văn hóa ở các tỉnh, thành như chèo Thái Bình, kịch Hải Phòng, quan họ Bắc Ninh… cũng được gửi gắm đưa về tụ hội tại các nhà hát ở Hà Nội.
Các trung tâm thương mại, quán cà phê cũng là địa điểm chơi Tết Dương lịch lý tưởng trong tiết trời lạnh giá của Hà Nội. Người Hà Nội không còn chỉ quanh quẩn trong nhà với những mâm cơm đoàn tụ, mà các khu trung tâm thương mại được xây dựng khép kín với đầy đủ dịch vụ vui chơi giải trí, các hoạt động phù hợp với mọi lứa tuổi, kèm theo dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống.
Giáo dục truyền thống di sản
Điều lạ lẫm ở Hà Nội là cứ dịp nghỉ Tết Dương lịch là các trung tâm văn hóa lịch sử truyền thống lại nhộn nhịp đón khách. Nhiều gia đình coi đây là dịp giáo dục truyền thống di sản, kết hợp với du Xuân. Chính vì vậy, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Di tích Hỏa Lò hay nhiều địa chỉ khác đã sáng đèn các hoạt động vô cùng hấp dẫn.
Bên cạnh sản phẩm tour đêm, tại các địa chỉ di sản văn hóa còn thực hiện trưng bày, triển lãm các tư liệu, hình ảnh về 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”. Đây sẽ là cơ hội để các gia đình tham quan các di sản của Hà Nội, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, hiếu học cho con cháu. Một trong những sản phẩm du lịch văn hóa vừa khai trương đang thu hút nhiều gia đình đó là tour du lịch văn học diễn ra vào buổi tối tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (số 275 Âu Cơ). Đây là sản phẩm du lịch rất phù hợp với các gia đình, trẻ em và những người yêu thích văn chương.
Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty du lịch Bền vững, đơn vị phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện sản phẩm du lịch này cho biết, tuy diễn ra vào buổi tối nhưng sản phẩm đã tạo được sự chú ý, thu hút nhiều gia đình trải nghiệm vào cuối tuần. Sản phẩm hứa hẹn sẽ tiếp thục thu hút du khách vào dịp Tết Dương lịch năm nay.
Ngoài những điểm di tích, di sản nổi tiếng, vào Tết Dương lịch 2023, người dân và du khách có thể đến các điểm di tích nổi tiếng trong khu phố cổ Hà Nội. Với những tour văn hóa, du khách có thể lựa chọn sản phẩm du lịch “Hanoi City tour” bằng xe buýt 2 tầng, khám phá phố cổ bằng xe điện hoặc tự tổ chức các tour đi bộ khám phá phố cổ kết hợp tour ẩm thực.
Điểm các hoạt động đón Tết ở Hà Nội để thấy cũng là dịp lễ của cả nước nhưng người dân Thủ đô vẫn có cách đón Tết rất riêng. Trong dịp này, Hà Nội có sự sôi động hòa nhập của một TP lớn nhưng cũng khoác lên mình phong thái đặc sắc của mảnh đất văn hóa nghìn năm.
"Thời xưa, đại bộ phận người dân làm nông nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên mới chỉ chú trọng đến viêc đón Tết Nguyên đán. Khi ấy, sự chênh lệch giữa ngày Tết và ngày thường rất lớn. Ngày nay, đất nước đã có những sự phát triển vượt bậc, nhìn chung đời sống của người dân đã ấm no, hạnh phúc hơn nên chúng ta chú trọng tất cả các ngày lễ, Tết. Nhưng khi mà mục tiêu hướng đến ngày Tết đã đạt được trong ngày thường thì con người lại nghĩ đến cách tổ chức, cách chơi Tết khác đi, bởi Tết luôn đòi hỏi sự khác biệt." - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
----
"Vài năm trở lại đây, người Hà Nội còn có thói quen chơi hoa đào từ dịp Tết Dương lịch, chứ không chỉ Tết Nguyên đán như mọi năm. Đây là lứa cây được nhà vườn chủ động tuốt lá trước, kích cho ra hoa để bán sớm. Do chưa phải chính vụ, hoa nở dịp này không đậm màu, cánh mỏng, nụ không dày đặc, nhưng lượng khách mua lẻ tại chợ và bán buôn tại vườn tương đối nhiều. Chứng tỏ người dân Hà Nội đã chú trọng trang hoàng nhà cửa đón Tết Tây, nhưng cách trang hoàng đó không bị lẫn với Tết Tây ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ hay ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới." - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) - TS Nguyễn Viết Chức