Theo các chuyên gia, diễn giả, nhà quản lý kinh tế và các nhà lãnh đạo DN tham dự hội thảo, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu. Rất nhiều công ty, DN, nhãn hàng bị ảnh hưởng, nhiều DN buộc phải đóng cửa, cho người lao động nghỉ việc…
Dịch Covid-19 đã để lại những hệ lụy vô cùng lớn đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ bùng phát trở lại trong mùa Đông, nhiều quốc gia cũng như các DN đã chủ động, tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh. Những chính sách về kinh tế được Chính phủ Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong thời gian này.
Bên cạnh việc tích cực chuẩn bị cho thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp, nhằm khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, như hỗ trợ người lao động, hỗ trợ cho DN (giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí…). Đồng thời, các cơ quan thuộc Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chính sách khắc phục để đưa nền kinh tế nhanh chóng hồi phục và ổn định.
Tuy vậy, hệ lụy từ đại dịch Covid-19 được dự đoán là sẽ kéo dài và diễn biến phức tạp, đòi hỏi Nhà nước và các DN phải cân nhắc những yêu cầu mới, nhằm đảm bảo nền kinh tế sẽ phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, có tính chống chịu tốt hơn và sẵn sàng đối mặt với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 bất cứ lúc nào.
Để tự giải cứu mình, các DN Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chiến lược nhằm khôi phục lại sản xuất. Nhiều sáng kiến đã được triển khai, áp dụng linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh…
Bên cạnh đó, Nhà nước đồng hành hỗ trợ các DN, DN hỗ trợ DN, DN hỗ trợ người lao động, người lao động kiên trì, chia sẻ khó khăn cùng DN… Tất cả cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thúc, khó khăn. Sự đồng lòng của DN, sự quyết tâm góp sức người, sức của, hy sinh lợi ích riêng của mỗi cá nhân vì lợi ích cung của đất nước.
Cùng với đó, một yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh giúp DN đối đầu với khó khăn, đó chính là văn hóa DN. Văn hóa DN được thể hiện rõ qua những việc làm cụ thể và thiết thực. Văn hóa DN được hình thành trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, là hệ thống các giá trị, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của một DN. Văn hóa DN chi phối tình cảm, lối suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong DN. Văn hóa DN gồm nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, được coi là nền tảng để xây dựng và phát triển DN.
Văn hóa là nền tảng, mà khi nền vững thì các chiến lược đưa ra mới có thể thực thi và có hiệu quả mạnh mẽ. Trong thời điểm khó khăn đó, việc tồn tại và phát triển bền vững còn dựa trên sự vững mạnh của văn hóa DN. Văn hóa DN góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.