Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa là trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu.

Với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến ngàn năm, Hà Nội luôn luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lại Tấn
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: Lại Tấn

Nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa
Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô đó là trong liên tiếp, nhiều nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội đều ban hành Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả rõ nét Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Bên cạnh đó, để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, ở nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Gần đây nhất, để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hoà bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ đảng viên và Nhân dân Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô bằng việc ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - đây được coi giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển

Trong nhiều năm qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn, 2021 - 2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách TP. Công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng của Thủ đô, trong đó cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng cao (chiếm khoảng 65%), GRDP phục hồi và tăng trưởng mạnh, năm sau tăng hơn năm trước và tăng hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 6.000USD/người/năm, tầng lớp trung lưu tăng nhanh… Hà Nội đang trở thành một TP năng động, phát triển, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được nâng cao.

Thủ đô Hà Nội là nơi có tỷ lệ nghèo giảm nhanh nhất, giảm mạnh từ 7,52% đầu năm 2011 xuống còn 0,21% cuối năm 2020, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,03%, phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trên địa bàn TP.

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đa số đạt và vượt kế hoạch; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, công tác an sinh xã hội; chất lượng giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến rõ nét; năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên tiếp tục được nâng lên.

Trích bài phát biểu của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại Hội thảo “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”
ngày 23/7/2024