Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hoá nhường đường: Cần chế tài để nâng cao ý thức

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Nhà nước đã có những quy định rõ ràng về nhường đường khi tham gia giao thông, tuy nhiên không khó để gặp những trường hợp người điều khiển phương tiện luồn lách, lấn làn và không ai chịu nhường ai trên đường.

Lưu thông bất chấp

Ở nước ta hiện nay, các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng. Đặc biệt là tại các thành phố lớn, tình hình chấp hành an toàn giao thông của người dân chưa được tốt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần nhiều là do ý thức của người dân. Trong đó, ý thức chấp hành an toàn giao thông, văn hóa nhường đường còn hạn chế.

Ngươi dân qua đường tại khu vực có vạch kẻ đường  và đèn tín hiệu giao thông.
Ngươi dân qua đường tại khu vực có vạch kẻ đường  và đèn tín hiệu giao thông.

Tại khoản 4 Điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường…”.

Tuy nhiên, trên thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh người đi bộ vất vả di chuyển trên phần đường có vạch kẻ ưu tiên. Đặc biệt là với các khu vực không có đèn tín hiệu, nhiều xe máy thấy người đi bộ qua đường vẫn di chuyển với tốc độ cao, không có dấu hiệu giảm tốc. Người đi bộ có khi đứng đến vài phút vẫn không thể chọn được thời điểm sang đường, vì xe máy, ô tô lao tới liên tục. 

Chị Nguyễn Thu Giang (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi đi bộ sang đường, thường chứng kiến khi nhiều tài xế tức giận bóp còi, khiến tôi giật mình, không dám di chuyển tiếp dù mình đi đúng phần đường được ưu tiên. Họ nhanh vài giây nhưng khiến giao thông rối loạn và rất nguy hiểm cho những người khác”. 

Anh Lưu Quang Huy (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi thường đi bộ đến trường, tôi cũng rất lo lắng khi cháu qua đường vì tình hình giao thông ở đây hỗn loạn, không ai nhường ai. Nhiều khi cô giáo mầm non dắt các cháu sang đường, mà vẫn có người không chờ nổi, cố lách qua”.

So với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả với những nước xung quanh, ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam đến nay chưa được đánh giá cao, tạo ấn tượng không tốt với du khách quốc tế,...  

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: “Phần lớn những vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người dân còn kém. Chính vì vậy, Việt Nam đang phải xây dựng Luật trật tự an toàn giao thông, tách ra từ Luật Giao thông đường bộ. Hiện, Luật đang dự thảo và lấy ý kiến của nhân dân để hoàn thiện, đưa vào áp dụng nhằm đảm bảo trật tự ATGT một cách tốt hơn, giảm thiểu tai nạn và số người thiệt mạng vì TNGT. 

Cần quyết liệt hơn

Hiện nay, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, trường hợp người điều khiển xe máy không quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ dẫn đến va chạm, tai nạn thì xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng.

Mức xử phạt này hoàn toàn không đủ sức răn đe, để khiến người tham gia giao thông tuân thủ quy định. Bên cạnh đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng chưa thật sự sát sao. Các lực lượng chức năng thường cho qua, không kiểm soát đến việc ưu tiên cho người đi bộ qua đường. Hiện mới chỉ có một số trường hợp tài xế không nhường đường cho xe ưu tiên bị phạt, còn với nhóm người đi bộ thì hầu như không có. 

Dù đã được pháp luật quy định rất rõ ràng bằng các quy tắc về nhường đường khi tham gia giao thông, nhưng dường như mọi người vẫn coi đây chỉ là một hành vi xử sự, thích thì nhường, không nhường cũng chẳng làm sao. Chính vì vậy, cần nâng cao nhận thức của người dân về hành vi nhường đường theo quy định pháp luật.

Luật sư Trần Trọng Nam (Công ty Luật ThinkSmart) cho rằng: “Hành vi không tuân thủ quy định nhường đường khi tham gia giao thông ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Tùy mức độ vi phạm, có thể đưa ra hình thức xử phạt phù hợp. Đặc biệt là trong trường hợp vi phạm mà đối tượng chịu tác động là người yếu thế như người già, trẻ em thì nên quy định về tình tiết tăng nặng để đủ tính răn đe.”

Đồng thời, có thể lắp đặt, tận dụng hệ thống camera giám sát để không bỏ lọt các hành vi vi phạm, cùng góp phần nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân. Chỉ cần làm một cách chặt chẽ, quyết liệt, sẽ xây dựng được văn hóa nhường đường bền vững, như các quy định về việc đội mũ bảo hiểm, hay không lái xe sau khi uống rượu bia hiện nay.