Câu chuyện trên tôi được chứng kiến tại một hội nghị ở một tỉnh gần Hà Nội. Cũng từ câu chuyện ấy tôi hay để ý đến việc mọi người sử dụng điện thoại thông minh. Thì ra chuyện với nữ đại biểu nọ không phải hiếm thấy. Rất nhiều cuộc họp, người nói cứ nói, một vài người vẫn chăm chú vào màn hình smartphone. Có người còn tủm tỉm cười như đang có gì thú vị lắm. Cảnh này thậm chí còn diễn ra ở những sự kiện quan trọng mà tivi vô tình quay được và vô tình đưa lên màn ảnh nhỏ.
Và không chỉ trong các sự kiện, hội nghị nơi mà đôi khi người ta dù không hứng thú vẫn buộc phải dự. Ngay cả trong những buổi giao lưu, gặp mặt bạn đồng môn, đồng hương, đồng ngũ… nơi mà mọi người tới để gặp gỡ, trò chuyện một cách hồ hởi, tự nguyện cũng có cảnh người này, người nọ chỉ chăm chú vào chiếc smartphone của mình. Ở nhiều quán cà phê, hình ảnh nhóm bạn ngồi cùng bàn nhưng mỗi người ôm chiếc điện thoại, chẳng ai nhìn ai cũng không hiếm. Đáng buồn hơn, cảnh này đôi khi còn thấy cả trong những bữa cơm sum họp của mỗi gia đình. Đã có những gia đình mà ông bố phải ra lệnh cấm dùng smartphone trong các bữa ăn. Và cũng đã có những gia đình, nhóm bạn cùng nhau tìm đến những khu nghỉ dưỡng không wifi, không sóng điện thoại… để được nghỉ ngơi thực sự và có thể dành trọn cho nhau những phút xum vầy…Có thể nói, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật bất li thân của nhiều người với những tiện ích mà nó đem lại. Không có gì ngạc nhiên khi số người sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều. Theo một nghiên cứu mới đây của Pew Research Center (Một Trung tâm nghiên cứu, cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, dư luận… của Hoa Kỳ), Việt Nam có 53% dân số sở hữu smartphone, đứng thứ 25 trong 39 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu smartphone nhiều nhất trên thế giới và đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tuy có số dân sở hữu điện thoại thông minh thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 59%, Việt Nam lại là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. Tính trong giai đoạn 2015 - 2017, lượng người Việt dùng smartphone đã tăng tới 18%. Pew cũng chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa tỷ lệ thanh thiếu niên dùng internet gia tăng mạnh với tình trạng nghiện smartphone trong giới trẻ.Với những tiện ích ngày càng tăng và tỉ lệ người dùng smartphone tăng nhanh như kết quả nghiên cứu trên, rõ ràng nguy cơ lệch chuẩn trong sử dụng loại thiết bị thông minh này ngày càng hiện hữu. Rõ ràng đã đến lúc mỗi gia đình, mỗi người cần ý thức cho mình việc dùng điện thoại cá nhân sao cho hợp lý và việc nhỏ như sử dụng smartphone cũng cần có văn hóa.