Văn hóa tha thứ và bài học đầu tiên

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, trên báo chí và mạng xã hội xôn xao vụ việc một giám đốc, giáo viên dạy âm nhạc tại Trung tâm Mun Art Academy N.T.T.H. ở Đà Nẵng bị bà N.T.T.T. - phụ huynh của một học sinh, tát, hành hung và đe dọa ngay tại trường.

 Hình ảnh ghi lại vụ việc
Sự việc xảy ra ngày 12/12, khi Trung tâm tổ chức buổi đối thoại giữa Ban Giám đốc với phụ huynh nói trên về việc con bà T. được cho là bị “bỏ rơi” trong buổi biểu diễn nghệ thuật nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ngay tại cuộc họp, phụ huynh T. đã sử dụng mạng xã hội live stream và trong đoạn clip cho thấy, cuối cuộc họp, giáo viên H. đã bị tát vào mặt. Sau đó trước khi bước ra khỏi cổng trường, phụ huynh này còn buông lời đe dọa giáo viên.
Sau khi bị dư luận chỉ trích, bà T. đã nhận ra sai phạm và chủ động xin lỗi. Vậy nhưng, hình ảnh sự việc phụ huynh tát giáo viên đã khiến dư luận lo ngại, phẫn nộ; nhiều tranh luận trái chiều xuất hiện trên các diễn đàn xã hội.
Nhìn lại, đã có quá nhiều vụ phụ huynh hành hung giáo viên. Đơn cử, tại Đồng Tháp, phụ huynh đánh giáo viên phải nhập viện do trường không tiếp nhận học sinh tự kỷ. Trước đó, tại Đắk Nông, phụ huynh tát giáo viên vì cho rằng giáo viên không cho đón con về sớm. Hay tại Hải Phòng, phụ huynh cùng 3 người nhà đã tát, chửi bới, đe dọa giáo viên vì cô giáo dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay của học sinh do không mặc đồng phục và nói chuyện riêng trong lớp.
Với cách xử lý quen thuộc “1 tỷ cái lý không bằng 1 tý cái tình”, sự việc dần khép lại và chìm xuống vì không ai muốn làm to chuyện để ảnh hưởng đến uy tín và danh dự. Vậy nhưng, ai cũng nhận thức rằng nạn nhân chịu tác động của những hành vi nóng giận, bạo lực, bộc trực trên không chỉ là phụ huynh, giáo viên mà còn tác động đến nhận thức, đạo đức, lối sống của học sinh, trẻ em sau này.
Hơn ai hết, học sinh cần được người lớn làm gương. Bởi với học sinh, ngoài giờ học trên lớp, các em còn học tập thông qua việc lắng nghe, quan sát và làm theo. Từ mẫu giáo, các em đã được gia đình, nhà trường dạy bài học đầu tiên “cô giáo như mẹ hiền”. Do đó, mọi hành vi, lời nói của cô giáo và “mẹ hiền” cần sự chuẩn mực để thông qua đó, các em có được nhận thức đúng đắn về lời dạy “tiên học lễ, hậu học văn”. Và để làm được điều này, cần sự nỗ lực, cố gắng, chia sẻ, tôn trọng và đôi khi là sự tha thứ từ 2 phía, giáo viên và phụ huynh trong phương pháp giáo dục, để con em được trưởng thành trong một môi trường lành mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần