[Văn hóa từ thiện - cùng bàn và làm] Bài 1: Góc nhìn "năm châu, bốn bể”

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thiện, bố thí, bác ái là những từ dùng chung cho các hoạt động nhân đạo xã hội. Không phải đến khi lũ lụt, thiên tai địch họa người ta mới bàn đến câu chuyện nhân đạo, từ thiện. Từ ngàn xưa, dân tộc Việt cũng như các nước trên thế giới đã luôn tìm cách hỗ trợ lẫn nhau khi khó khăn, hoạn nạn.

Đối với dân tộc Việt Nam, tương thân, tương ái đã sớm trở thành triết lý và đi vào ca dao, tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Trên thế giới, triết lý sống này cũng được nhiều cộng đồng các dân tộc sử dụng.
Thế nào là từ thiện?

Nên hiểu đơn giản từ thiện là hành vi giúp người nhưng không phải tất cả hành động giúp người nào cũng được gọi là từ thiện. Điều để phân biệt một cách dễ biết nhận đó là nguyên tắc bất vụ lợi (làm không vì lợi ích riêng) và thiện nguyện (tự nguyện làm vì điều tốt). Chính vì vậy, việc từ thiện đề cao nguyên tắc tự nguyện và chắc chắn một điều nó không hề có những nguyên tắc bắt buộc nào.
 Các nhà hảo tâm huyện Mê Linh, Hà Nội, trao quà từ thiện cho người dân Quảng Bình chịu thiệt hại do bão lũ thời gian qua. Ảnh: Phạm Hùng
Trong quá trình phát triển của loài người thì thiên nhiên luôn xảy ra động đất, núi lửa, lũ lụt, mưa bão, dịch bệnh và bản thân con người cũng tạo ra những cuộc chiến tranh dai dẳng và tàn khốc. Điều này phát sinh ra trong cộng đồng có những cá nhân, hay nhóm người gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, cần sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Bên cạnh hệ thống phúc lợi công cộng do nhà nước tổ chức, từ hàng ngàn năm nay đã xuất hiện các cá nhân, tổ chức từ thiện tìm cách giúp đỡ người khó khăn. Tại các quốc gia đã phát triển cao hình thành các tổ chức từ thiện, các quỹ từ thiện để thực hiện công tác này thường xuyên và đột xuất. Dần dần trong cộng đồng đã hình thành và phát triển văn hóa từ thiện để phát huy được nhiều nhất sức mạnh của cộng đồng, đạt hiệu quả cao nhất các đợt cứu trợ, hỗ trợ và điều chỉnh các hành vi trục lợi, đánh bóng tên tuổi trong các hoạt động xã hội này.

Các tổ chức tôn giáo có những luật hay là hướng dẫn cụ thể cho giáo dân về hình thức hiến tặng, để đạt kết quả tốt nhất cho người cho và người nhận. Phật giáo đề cao hạnh bố thí, Kitô giáo đề cao tinh thần bác ái, trong đó Luật Torah của người Do Thái lại yêu cầu 10% thu nhập của một người Do Thái phải được phân bổ cho "việc công bình", bất kể người nhận là giàu hay nghèo. Người Hồi giáo gọi từ thiện là Zakat, và là một trong năm trụ cột chính của Hồi giáo, theo đó, giáo dân được khuyến khích tặng ít nhất 2,5% phần thu nhập mỗi năm của mình cho người khác.

Góc nhìn các tôn giáo

Đối với Phật Giáo, theo Ba La Mật Đa, trong quá trình tu tập để trở thành Bồ tát thì hạnh bố thí đứng đầu: Bố có nghĩa phân tán, ban phát cho khắp nơi, cho hết; thí: giúp, cho, đem tiền của và các thứ mình có mà cấp cho người khác.

Trong Phật giáo nguyên thủy, bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, ích kỷ và được thực hành để tránh khổ đau của đời sau. Theo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng Từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ.

Trong Kitô giáo, bác ái là một nguyên tắc quan trọng (2 chữ bác ái = lòng yêu thương rộng khắp mọi người). Một trong những giới răn quan trọng nhất mà Chúa Giê-su dạy: "Ngươi hãy yêu người gần gũi như chính mình". Thánh vịnh có câu "Phước cho người nào quan tâm đến kẻ yếu đau khốn khổ. Chúa sẽ giải cứu người ấy trong ngày hoạn nạn.". Trong bài giảng trên núi Chúa Giê-su cũng nhắc nhở "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!". Du ngôn của người Samari nhân lànhcũng là lời Chúa thí dụ cho việc cần thiết phải cứu trợ người khác.

Trong Kinh thánh có rất nhiều đoạn nhấn mạnh đến nghĩa vụ cần thiết của việc san sẻ và đóng góp vì phúc lợi của người nghèo, bị khó khăn.Tân ước có chép những tông đồ đầu tiên của Chúa Giê-su đã san sẻ tài sản của mình cho nhau, và quyên góp giúp đỡ người bị thiên tai.

Theo quan điểm Công giáo, ngoài đặc điểm căn bản cần thiết, việc hiến tặng nên được trao với sự quan tâm chất lượng để thu được kết quả tốt cho người cho và người nhận. Do đó, hiến tặng phải cần xứng đáng; nhanh chóng, để đảm bảo thuận lợi nhất; bí mật và khiêm nhường, vui vẻ; phong phú.

Trong Do Thái giáo, việc từ thiện được xem là việc đúng, phải làm. Tedakah - một thuật ngữ tiếng Do Thái, thường được sử dụng để biểu lộ sự từ thiện, nhưng nguyên gốc có nghĩa là sự công bình - đề cập đến nghĩa vụ tôn giáo để làm những gì là đúng và hợp lý.

Người Do Thái không thực hành từ thiện, nhân đạo và khái niệm này là hầu như không tồn tại trong truyền thống Do Thái. Thay vào đó, người Do Thái thực hành tzedakah, có nghĩa là "sự công chính" và "công lý". Người Do Thái khi đóng góp tiền bạc, thời gian và nguồn lực của mình để giúp cho những người nghèo, thì người đó không phải là nhân từ, hào phóng hay "làm từ thiện" mà người đó đang làm "việc đáng làm, phải làm" (công chính) đúng theo như đã chỉ dạy trong Torah (là phần luật của Kinh thánh Hebrew). Luật Torah yêu cầu 10% thu nhập của một người Do Thái phải được phân bổ cho "việc công bình", bất kể người nhận là giàu hay nghèo.

Trong phạm vi một bài viết, chúng tôi không thể liệt kê quan điểm các tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới về công tác từ thiện. Nhưng rõ ràng, dù có theo đạo hay không theo đạo, dù sống ở bất cứ quốc gia nào, Âu hay Á các thức quyên góp, con số giá trị có thể khác nhau nhưng tinh thần cần hỗ trợ nhau trong cuộc sống là điểm chung nhất trong quá trình phát triển của loài người.

(Còn nữa)

Hiện nay, có rất nhiều cách cắt nghĩa khác nhau về từ thiện, tùy theo cách nghĩ khác nhau sẽ sinh ra nhiều hành động khác nhau. Nhưng chắc chắn một điều từ thiện phải là việc làm tốt, hành động tốt xuất phát từ lòng yêu thương (người). Những hành vi, việc làm tốt nhưng không xuất phát từ lòng thương giữa con người thì không được gọi là "từ thiện", nó đơn thuần chỉ là sự ban phát của người có, người thừa cho người thiếu. 


Từ thiện là việc làm đáng hoan nghênh nhưng cần có quy định để điều phối

"Báo đã chọn bàn về một đề tài khá hay, đang được cộng đồng mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận gay gắt. Nói về văn bản pháp lý hiện nay chúng ta đang có 2 nghị định đang còn hiệu lực, đó là:

Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng...).

Nghị định 50/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Mới đây, sau khi ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được 150 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung đã có nhiều ý kiến trái chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tài Chính sửa đổi lại Nghị định 64/2008. Đây là một quyết định kịp thời, hợp lòng dân của Chính phủ. Với vai trò là cơ quan truyền thông, Kinh tế & Đô thị ngoài việc đóng góp ý kiến trong việc sửa đổi Nghị định 64/2008 nên trao đổi, chắt lọc hình thành văn hóa từ thiện trong cộng đồng.

Thực tế cho thấy, nếu để các hoạt động từ thiện mang tính tự phát như hiện nay thì hiệu quả không được như mong muốn. Lâu này, chúng ta mới chỉ đem các người dân có đến với đồng bào miền Trung cứ chưa đưa được cái mà người dân ở đó cần có, muốn có (nếu có, cũng còn rất ít). Việc khá nhiều đoàn từ thiện liên tục đến với miền Trung là một cử chỉ, hành động đáng hoan nghênh, nhưng vẫn cần một quy định để điều phối chung công tác này mà không bị thất thoát." - TS Nguyễn thị Thanh Tâm - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đề tài cần được đưa ra để bàn thảo

"Người Việt chúng ta đề cao “của cho không bằng cách cho”, còn người Do Thái cho rằng công việc từ thiện chính là "sự công chính" và "công lý" như là một điều bắt cuộc trong cuộc sống. Người có điều kiện phải giúp người khốn khổ, phải dành 10% cho cho "việc công bình", bất kể người nhận là giàu hay nghèo. Ngay từ thế kỷ 12, nhà thần học Maimonides liệt kê Tám cấp độ của "sự công bình", trong "Luật về Ban cho người nghèo". Theo đó có các quy định như:

- Cấp cao nhất: Cung cấp cho những người nghèo đủ khả năng để họ có thể tự sống độc lập (giúp để họ tự giúp mình). Thí dụ như cho vay không lãi suất cho một người có nhu cầu; hình thành một quan hệ đối tác lâu dài với một người có nhu cầu; cho một khoản trợ cấp cho người có nhu cầu; tìm kiếm một công việc cho một người có nhu cầu...

- Từ thiện trong một cách mà các nhà tài trợ, người cho và người nhận không biết nhau (nặc danh), thông qua một người (hoặc quỹ đại chúng) nào là đáng tin cậy, uy tín, và có thể thực hiện hành vi tzedakah với tiền của họ một cách hoàn hảo nhất.

- Các ân nhân biết mình tặng ai, nhưng người nhận không biết danh tính của nhà tài trợ.

-Người cho không biết danh tính của người nhận, nhưng người được nhận lại biết người nào cho...

Với kinh nghiệm làm báo của tôi, tôi cảm nhận đây là đề tài hay nhưng không dễ tìm ra được sự đồng thuận tuyệt đối trong cộng đồng. Đơn cử như việc có cần dàn dựng, chụp ảnh cảnh trao - nhận hay không cũng đã là một vấn đề tranh cãi lâu nay. Nhưng đề tài này xứng đáng được đưa ra bàn thảo trong thời điểm này, để chí ít chúng ta sẽ tìm được vài điểm cơ bản chung nhất để chúng ta hướng về đồng bào mình." - Nhà báo Trần Thành Đô - Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu (Đông Hùng ghi)