Tuy nhiên, sau một thời gian bị tác động bởi sự thay đổi của môi trường xã hội, để xây dựng lại nét đẹp văn hóa mới là cả một thời gian dài mới có thể thay đổi được nhận thức, thói quen của cả xã hội.
Việc ra đời hai bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và QTƯX nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội đang dần định hình lại văn hóa ứng xử người Hà Nội.
Qua hơn 6 năm đưa hai bộ QTƯX vào cuộc sống, các cơ quan ban ngành cũng như các cấp cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã bền bỉ đưa các bộ QTƯX vào cuộc sống nhằm tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô. Việc triển khai rộng khắp với nhiều hình thức phong phú đã dần tạo ra nếp văn hóa mới trong cán bộ, công chức và Nhân dân.
Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm. Từ hiệu quả rõ rệt ấy, ngành Văn hóa Thủ đô đang tích cực lan tỏa những cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng thực hiện QTƯX nơi công cộng.
Đó là các mô hình: "Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, không lấn chiếm biến thành của riêng gia đình"; "Nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ"; "Hướng dẫn Nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường"; "Thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp"…
Ngoài những mô hình do TP triển khai, tại các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng những mô hình riêng đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Tại huyện Đan Phượng có thể kể đến các mô hình: thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh sạch đẹp; thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh; tổ dân phố kiểu mẫu; sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi; chợ văn minh - an toàn - hiệu quả; phòng cháy chữa cháy cộng đồng; camera an ninh.
Quận Cầu Giấy có mô hình "Phụ nữ tham gia xây dựng chợ văn minh thực hiện QTƯX nơi công cộng" nhằm bồi dưỡng ý thức xây dựng văn hóa ứng xử, cũng như tạo diện mạo mới hấp dẫn và văn minh hơn cho khu chợ truyền thống tại địa phương. Trước đó, không ít mô hình đã trở thành kiểu mẫu, niềm tự hào nhiều năm của Cầu Giấy trong bồi đắp văn hóa ứng xử, tiêu biểu như mô hình "Cầu thang văn hóa", "Thư viện gia đình", "Nhóm hộ gia đình tự quản".
Tại quận Hà Đông, công tác tuyên truyền được quận thực hiện bài bản, tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm, phát nhiều tờ rơi, niêm yết trên 248 di tích của quận. Quận quan tâm triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình như: mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; mô hình bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt, cảnh quan đẹp.
Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị rập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống, từ đó lan tỏa giá trị cốt lõi là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.