Cũng tại buổi talkshow "Tôi xếp hàng", các diễn giả là những chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và đời sống đã chia sẻ những giải pháp khả thi nhằm hình thành văn hoá xếp hàng cho người Việt. Đây là lối sống văn minh mà người Việt trẻ cần hướng đến trong bối cảnh hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế đang diễn ra sâu rộng.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên cao cấp tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội, giáo dục nên bắt đầu từ kỷ luật, sau đó sẽ rèn được tự giác. Cụ thể hơn là sử dụng triết lý “cây gậy và củ cà rốt”, dùng các ứng dụng công nghệ để giám sát và xử phạt song song với việc xây dựng niềm tin để tạo ra văn hóa xếp hàng.
Đồng quan điểm, nhà báo Kim Ngân, tác giả của 2 cuốn sách văn hóa Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái và Yêu một cô gái Việt cho rằng, đầu tiên là phải giáo dục từ trong gia đình. Người Việt có thói quen chiều chuộng con, cháu mình thái quá.
"Khi tôi nhường chỗ cho 1 cụ già thì cụ sẽ lại nhường lại chỗ cho cháu cụ" - diễn giả ví dụ. Trong khi đó, ở Nhật Bản, một em bé 4 tuổi đã ý thức được việc phải xếp hàng, em bé xếp hàng vì em tin rằng sẽ không có ai chen ngang em, rằng mọi người là công bằng.
"Văn hóa xếp hàng chính là biểu tượng thể hiện rõ nhất của sự công bằng trong xã hội... Ai đến trước người đó được trước, đó là điều đương nhiên và được mọi người chấp nhận. Nhưng có vẻ Việt Nam không có văn hóa xếp hàng, nó thể hiện qua hình ảnh chen lấn ở các bến xe, bến tàu, chen lấn khi xếp hàng thực hiện các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh ở bệnh viện và nộp hồ sơ vào trường học cho con cái..." - PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh nhận định.
Một trong những giải pháp nhằm hình thành nếp văn hoá xếp hàng cho người Việt được các chuyên gia đưa ra là cần sử dụng truyền thông để nâng cao nhận thức, giáo dục về niềm tin và lòng tự trọng…
Trưởng ban Tổ chức dự án Đỗ Thị Việt Hà chia sẻ: "Tôi xếp hàng" là dự án cộng đồng được khởi động từ trung tuần tháng 12/2018. Chiến dịch mang tên "Tôi xếp hàng" ra đời như một nỗ lực kêu gọi các bạn trẻ hình thành nếp sống văn minh bắt đầu từ việc làm nhỏ nhất: Xếp hàng nơi công cộng.
"Dù chuỗi những hoạt động của chiến dịch mới chỉ thực hiện trong 3 tháng, nhưng chúng tôi sớm nhận thấy tác động của dự án tới mọi lứa tuổi là hết sức to lớn, đặc biệt là các bạn trẻ. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn dự án sẽ được phát huy bằng sự nỗ lực cùng chung tay hành động nhiều hơn nữa của mỗi cá nhân, lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của hành vi xếp hàng nơi công cộng. Từ đó hình thành thế hệ người Việt biết ứng xử văn minh ở mọi nơi, mọi lúc" - đại diện dự án bày tỏ.