Sau Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô 2012, tập truyện ngắn "Thành phố đi vắng" của Nguyễn Thị Thu Huệ tiếp tục đoạt giải thưởng duy nhất dành cho văn xuôi. Mảng thơ "được mùa" với ba tập thơ đoạt giải "Giờ thứ 25" (Phạm Đương), "Trường ca chân đất" (Thanh Thảo), "Màu tự do của đất" (Trần Quang Quý). Đáng chú ý, tập "Trường ca chân đất" trước đó đã được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Tiểu luận "Đa cực và điểm đến" (Văn Chinh) đoạt giải lý luận phê bình. Đáng buồn nhất là thể loại văn học dịch xưa nay "lừng lẫy" ở các "cuộc chiến" văn chương, mùa này "trắng tay", thậm chí không có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. 4 tác phẩm khác được đánh giá cao, lọt vào chung khảo, nhưng không đủ phiếu bầu, nên chỉ được nhận giấy khen của Hội. Đó là 2 tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" của Y Ban và tiểu thuyết lịch sử "Thế kỷ bị mất" của Phạm Ngọc Cảnh Nam, cùng 2 tập thơ "Chất vấn thói quen" của Phan Hoàng và "Hoa hoàng đàn nở muộn" của Khuất Bình Nguyên.
Đặt lên bàn so sánh thấy số lượng các tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay chưa bằng một nửa mùa giải năm ngoái (11 giải chính thức). Con số ít ỏi ấy, khiến người ta không khỏi băn khoăn: Văn học Việt 2012 thực sự nghèo nàn như vậy?
Cũng như mọi năm, Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam nhận được nhiều tác phẩm đến từ các nhà xuất bản, các tờ báo về văn chương, hội viên hội nhà văn gửi đến tham dự. Việc xét giải dựa trên đánh giá của hội đồng chuyên môn, kiểm tra thăm dò dư luận của các nhà văn, nhà lý luận và bạn đọc yêu văn học... Sau cùng là ý kiến bàn luận và bỏ phiếu kín của 9 thành viên chung khảo gồm những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có uy tín.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc trao giải cho tập truyện ngắn "Thành phố đi vắng" của Nguyễn Thị Thu Huệ và tiểu luận "Đa cực và điểm đến" của Văn Chinh, không ít người thắc mắc về giải thưởng năm nay của Hội. Một nhà thơ (xin được giấu tên) bày tỏ: Trên thế giới đã có một nhà văn lừng lẫy từng được vinh danh trong lĩnh vực văn học với tác phẩm cùng tên với "Giờ thứ 25" của Phạm Đương. Liệu tác phẩm này thực sự ghi được dấu ấn hay chỉ là một sự "ăn theo"? "Bày tỏ" này ngược hoàn toàn với nhận định, Phạm Đương là một phát hiện mới của giải thưởng năm nay. Ý kiến khác lại cho rằng, văn học dịch năm nay không thiếu tác phẩm có tầm, trong đó đáng kể là "Lolita" của dịch giả Dương Tường đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải. Hội đồng xét giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 đã quá khắt khe, hoặc sợ "đụng hàng" hay thiếu tính phát hiện? Đáng chú ý nhất, chiều 18/1, nhà văn Y Ban đã công bố lá đơn xin rút không nhận bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam vì cho rằng Hội đồng xét giải đã "đối xử" không công bằng với "con đẻ" của mình. Thậm chí, nữ nhà văn này còn khẳng khái nói rằng không công nhận Hội đồng xét giải năm nay vì các thành viên "không có tâm và không đủ tài".
Vậy là hơn 200 đề cử, chỉ vẻn vẹn 5 tác phẩm được giải chính thức, chưa kể diễn đàn văn chương còn "nổi sóng" vì những bất bình và đồng tình. Đây có lẽ là một mùa giải nhiều sóng gió của Hội Nhà văn Việt Nam.