Vận hội lớn để Khánh Hòa bứt phá

Bài, ảnh: Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Với hai quy hoạch lớn vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, cùng với 11 cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 55 của Quốc hội và nhiều DN, tập đoàn lớn đăng ký đầu tư các dự án “khủng”, Khánh Hòa đang đứng trước vận hội lớn để bứt phá sau 48 năm giải phóng (1975 – 2023).

Hướng đến thành phố trực thuộc T.Ư

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, quy mô GRDP của tỉnh xếp thứ 24/63 tỉnh, TP trong cả nước, một trong 18 tỉnh có điều tiết ngân sách về T.Ư. Năm 2022, kinh tế của Khánh Hòa đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, GRDP tăng 20,7%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

Khánh Hòa phấn đấu trở thành TP trực thuộc T.Ư vào năm 2030.
Khánh Hòa phấn đấu trở thành TP trực thuộc T.Ư vào năm 2030.

“Đặc biệt, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là TP trực thuộc T.Ư, là một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Có thể khẳng định, đây là “đũa thần” lớn nhất để Khánh Hòa cất cánh trong thời gian tới” – ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, so với 8 tỉnh, TP khác trong cả nước đã có Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thì Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có số lượng cơ chế, chính sách đặc thù nhiều hơn với 11 cơ chế, chính sách. Điều này đã tạo ra nhiều thời cơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa.

Để Khánh Hòa sớm đạt được mục tiêu trở thành TP trực thuộc T.Ư vào năm 2030, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, hai đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 hiện đã hoàn thiện và đang trình Bộ Xây dựng thẩm định… Các quy hoạch được hoàn thiện và phê duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đã được Bộ Chính trị đề ra.

Hội đủ các yếu tố để bứt phá

Nhận định về cơ hội của Khánh Hòa, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, lợi thế của Khánh Hòa có nhiều điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác, không chỉ về quy mô, phạm vi mà quan trọng hơn ở tính đặc sắc và đẳng cấp.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Khánh Hòa năm 2022 (tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 20,7% cao nhất trong cả nước) và cả trong giai đoạn tới đây sẽ không thể có được nếu không có sự hỗ trợ nhiều mặt tích cực và hiệu quả từ T.Ư. Những sự hỗ trợ tích cực của T.Ư đã khai thông một số điểm nghẽn thâm niên ở Khánh Hòa mà tự địa phương này không thể giải quyết. Đồng thời, phát đi một thông điệp - một sự cam kết đối với tương lai phát triển của Khánh Hòa, của Khu Kinh tế đặc biệt Vân Phong. Điều đó chắc chắn có tác động tích cực đến quyết định lựa chọn địa chỉ đầu tư của các DN.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong bối cảnh cuộc đua phát triển và cạnh tranh thu hút đầu tư đang diễn ra quyết liệt giữa các địa phương, thông điệp đó được hiểu là sự xác nhận vị thế của Khánh Hòa, của Vân Phong trong chiến lược phát triển đất nước vào giai đoạn mới.

Với thông điệp đó, tiềm năng – lợi thế của Khánh Hòa được coi là nguồn lực – thế mạnh quốc gia, Khu Kinh tế Vân Phong là động lực phát triển mới của vùng, là tọa độ cạnh tranh quốc tế hiện đại của nền kinh tế. Điều này xác định vị thế và trách nhiệm quốc gia của công cuộc phát triển Khánh Hòa.

Trong khi đó, ông Marco Breu - Giám đốc Hợp danh Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam, đơn vị tư vấn chính của quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, quy hoạch Khánh Hòa vừa công bố hướng tới phát triển bền vững, phát huy các thế mạnh độc đáo của tỉnh về núi và biển.

Theo ông Marco Breu, việc thực thi quy hoạch sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thu hút đầu tư, biến Khánh Hòa trở thành một trong những nơi tốt nhất để đầu tư trong 5 năm tới. Để làm được điều này, Khánh Hòa cần nỗ lực lớn, như có thể thực hiện thủ tục một cửa liên thông, trả lời hồ sơ cho nhà đầu tư trong vòng 72 giờ; chính sách đầu tư thân thiện; bảo đảm môi trường sống để thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao…

Nhận định về Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết, Khánh Hòa là mảnh đất khởi phát của Tập đoàn Vingroup tại Việt Nam.

Từ dự án đầu tiên trên đảo Hòn Tre, đến nay Vingroup đã và đang triển khai 15 dự án tại Khánh Hòa, với quy mô đầu tư lên đến gần 41.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án đã trở thành biểu tượng của du lịch Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung như cáp treo vượt biển, tổ hợp vui chơi giải trí và khách sạn Vinpearl.

“Với hơn 20 năm đầu tư trực tiếp tại Khánh Hòa, chúng tôi cảm nhận rất rõ về môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định và sự ủng hộ nhất quán từ các cấp chính quyền đến mọi tầng lớp Nhân dân. Đó là lý do, trong những năm qua, Vingroup không chỉ liên tục gia tăng đầu tư với các dự án quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn luôn chủ động đồng hành cùng Khánh Hòa hướng tới sự phát triển bền vững” – ông Nguyễn Việt Quang cho biết.

 

"Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa hàm chứa nhiều cơ hội phát triển mà chúng tôi kiến tạo nên, là cam kết về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh và đặt con người làm trung tâm của quá trình phát triển xanh; thể hiện mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước để cùng tạo nên những giá trị mới." -  Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân