Vẫn lúng túng trong điều hành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm ngưng hoạt động, nhiều đại lý kinh doanh gas chủ động găm hàng đầu cơ, khiến thị trường gas trong nước rơi vào tình trạng thiếu hàng giả tạo.

Gas tăng 60.000 đồng/bình12kg

Lấy lý do lượng hàng đang khan hiếm, hầu hết các đại lý, các hãng gas lớn trong nước như Petrolimex, Công ty Ngọn lửa thần, Công ty CP Kinh doanh xuất nhập khẩu khí gas hóa lỏng Vạn Lộc, Công ty TNHH Dầu khí Gia Định đã lập tức tăng giá gas thêm 3.000 - 5.000 đồng/kg (khoảng 60.000 đồng/bình/12kg. Như vậy, kể từ sau đợt tăng giá gas ngày 1/8 vừa qua, giá gas hiện nay giao dịch ở mức 400.000 - 415.000 đồng/bình 12kg.

Số liệu của Hiệp hội Gas Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp (DN) gas nhập từ Dung Quất khoảng 30.000 tấn, chiếm khoảng 30% lượng gas tiêu thụ trên thị trường cả nước. Khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động, nguồn cung thiếu nên nhiều DN gas đang tìm kiếm nguồn hàng thay thế. Ông Nguyễn Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty MT gas cho biết, theo kế hoạch trong tháng 8, MT gas sẽ nhập 2.000 tấn gas từ Dung Quất. Nếu nhập đột xuất lượng hàng tương ứng trong thời điểm này, MT gas sẽ thiệt hại khoảng 200.000 USD. Tuy nhiên, từ khi ký hợp đồng nhập khẩu gas đến lúc nhận hàng cũng phải mất 3 tuần, vì thế MT gas đang tìm nguồn hàng từ các thị trường khác, song giá cũng bị đẩy lên thêm khoảng 60 USD/tấn.


Vẫn lúng túng trong điều hành - Ảnh 1
Giá gas tăng không chỉ người tiêu dùng kêu ca mà đại lý cũng gặp khó. Ảnh: Trần Hoạt


Do lượng hàng không còn nhiều nên các DN gas áp dụng phương án "rót" hàng nhỏ giọt cho đại lý theo sản lượng cố định. Đại diện Shell gas cho biết: Hiện công ty vẫn bảo đảm nguồn cung, nhưng gần đây nhiều đại lý yêu cầu cung cấp hàng với số lượng lớn nên công ty chỉ cung ứng theo số lượng cam kết trước đây mà không bán thêm ngoài phần kế hoạch tiêu thụ này.

Kinh doanh kiểu... ăn đong

Thông tin từ Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho thấy, việc khắc phục lỗi kỹ thuật của Nhà máy chỉ mất khoảng một tuần, dự kiến, đến 16/8, nhà máy sẽ vận hành trở lại. Việc phải tạm dừng sản xuất sẽ làm thiếu hụt khoảng 100.000 tấn sản phẩm các loại, trong đó chủ yếu xăng, dầu và khí hóa lỏng.

Theo bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam: Hiện nay việc thiếu hụt gas không quá nghiêm trọng như các DN kinh doanh gas phản ánh, bởi gas nhập khẩu chiếm 60 - 70% thị trường. Việc thiếu hụt gas chủ yếu xảy ra tại các DN nhỏ, nhập hàng từ Dung Quất để pha trộn với gas nhập khẩu nhằm giảm giá thành. 

Hiện cả nước có khoảng 20 công ty đủ điều kiện nhập khẩu gas, trong đó chỉ có khoảng 5 - 6 DN đầu mối lớn mới có hệ thống kho dự trữ lớn, đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường trong vòng 15 ngày theo quy định của Nhà nước. Trong khi, số lượng DN nhỏ không đủ điều kiện nhập khẩu chỉ mua lại hàng từ các đơn vị nhập khẩu để phân phối lên đến 60 DN. Chính vì thế, các DN thiếu hàng đã tăng giá để giảm lượng hàng bán ra, dẫn đến nguy cơ đại lý bán lẻ lén lút tăng giá cao hơn mức giá đã đăng ký với các cơ quan chức năng.

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Giá và thuế là 2 công cụ quản lý hàng nhập khẩu, trong đó có gas, tuy nhiên hiện việc điều tiết hai công cụ này hiện nay còn lúng túng, kém nhạy bén. Mỗi khi nguồn cung trong nước biến động, Nhà nước nên có thêm những chính sách khuyến khích nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung ứng.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần