Âm nhạc kết hợp 3D mapping
Album “Tinh Hoa Đạo Học” Vol. 1 được nhạc sĩ Đinh Khánh Ly dành nhiều tâm huyết, nhiều nỗ lực, thể hiện tinh thần của các nghệ sĩ trẻ muốn truyền tải giá trị âm nhạc – nghệ thuật truyền thống tới đông đảo công chúng. Toàn bộ album gồm 6 bản hoà tấu nhạc cụ dân tộc bám sát chủ đề phim mapping 3D Tinh hoa đạo học và sử dụng một phần nhạc nền ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những giá trị cốt lõi của Đạo học Việt Nam bắt nguồn từ giáo dục trong gia đình, từ tinh thần hiếu học, từ ý chí phấn đấu bền bỉ của mỗi Nho sinh để trở thành người có ích với dân tộc được khắc họa qua từng khúc nhạc với chủ đề rõ rệt.
Đó là bản phối lấy ý tưởng từ ca khúc “Phiêu bồng trần gian” với ý thơ trác tuyệt của Đại thi hào Nguyễn Du “Phong lưu phú quí ai bì/Vườn xuân muôn cửa để bia muôn đời” ca ngợi chí lớn của bậc nho sinh xưa trên con đường lập thân, lập nghiệp.
“Khúc Tứ linh huấn tử” ca ngợi 4 bức phù điêu tại khu nhập đạo (Lão Long, Kỳ Lân, Lão Quy, Phượng Hoàng) cùng hình ảnh người cha dìu dắt con thành đạo từ thuở tấm bé, nuôi dưỡng ý chí bền bỉ qua từng tháng năm.
“Khúc Tinh hoa Đạo học” mở ra một cánh cửa âm nhạc đặc biệt, truyền tải những giáo lý, giá trị và ca ngợi đạo học của người Việt từ bao đời nay “Thiện căn ở tại lòng ta/chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
“Khúc Đồng dao Hành trình Đạo học” viết về hành trình người quân tử dùng ngòi bút tu thân, mở rộng tấm lòng, giúp dân giúp nước, không phụ lòng các bậc tiền nhân.
“Khúc Đệ nhất sắc hương” lấy cảm hứng từ những đường nét mềm mại của Hoa sen, ánh sáng nhẹ nhàng bên trong và hương thơm dịu dàng mà hoa sen mang lại. Giai điệu mộc mạc nhưng đầy tinh tế gợi lên dáng vẻ thanh tao, thuần khiết của hồn cốt dân tộc Việt.
“Khúc Vinh quy bái tổ” trang trọng và đầy tự hào dành tôn vinh cho tân khoa đỗ đạt làm rạng danh dòng họ và quê hương.
Trong khuôn khổ sự kiện, nhạc sĩ Đinh Khánh Ly đã trình diễn các khúc hòa tấu nhạc cụ dân tộc cùng các nghệ sĩ của ban nhạc biểu diễn tại Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đem lại không gian trải nghiệm âm nhạc ý nghĩa và nhiều cảm xúc cho các khách mời tham dự.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: Đây là lần đầu tiên có một nhạc sĩ sáng tác album về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Những giá trị của di tích gắn liền với Đạo Học được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật rất hấp dẫn là âm nhạc sẽ mang đến cho công chúng những cảm xúc đặc biệt, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản, với Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chúng tôi hy vọng, album Tinh hoa Đạo học của Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly sẽ mở đầu cho nhiều sáng tác của những người làm nghệ thuật về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, để không gian này luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những sáng tạo về văn hóa trong thời gian tới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Thời gian qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có nhiều đổi mới trong hoạt động để thực hiện tự chủ bền vững. Trong đó nổi bật là việc xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, đây là hệ thống cơ sở dữ liệu số được xây dựng theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa (công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR…) và công nghệ 4.0 (điện toán đám mây, thông minh nhân tạo AI, Big Data…) cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số, phục vụ các nhiệm vụ chung của Thành phố Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa.
Cụ thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa vật thể; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; đồng thời phát triển các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ như việc xây dựng hệ thống hỗ trợ thuyết minh đoàn qua công nghệ giao tiếp không dây; xây dựng hệ thống tương tác trên điện thoại thông minh (ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, nội dung trải nghiệm đa phương tiện).
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trong xu thế đổi mới mạnh mẽ của ngành văn hóa thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2030, tham gia cam kết của Hà Nội về thành phố sáng tạo, Văn Miếu – Quốc Tử Giám xác định định hướng phát triển chung trong thời gian sắp tới là: Kết nối hồ Văn với khu Nội tự và vườn Giám thành một quần thể di tích hoàn chỉnh ( kết nối về địa lý và kết nối về nội dung hoạt động);
Đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát triển thành một Trung tâm hoạt động văn hoá thực sự với chương trình hoạt động được dự kiến theo nhiều cấp độ thời gian khác nhau (theo năm, quý, tháng, tuần), trong đó có cả các hoạt động ban ngày và buổi tối và trở thành không gian sáng tạo; Số hoá toàn bộ các dữ liệu di sản và phát triển các ứng dụng tích hợp trên website hoặc cài đặt trên smartphone cho phép công chúng, khách tham quan tìm hiểu về di tích theo từng chuyên đề;
Ứng dụng Công nghệ 4.0 trong tất cả các khâu khai thác hoạt động, từ quản lý, bán vé đến cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm cho du khách.; Xây dựng mạng lưới liên kết giữa Văn Miếu – Quốc Tử Giám với các điểm tham quan, du lịch có yếu tố di sản văn hoá trên địa bàn Thành phố Hà Nội (trước mắt liên kết trong nội thành, sau đó mở rộng ra các điểm di tích ở ngoại thành): áp dụng bán vé combo, quảng bá tour chuyên đề liên kết các điểm.