Vấn nạn văn bằng, chứng chỉ giả: Xử nghiêm cả người bán lẫn người sử dụng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thật nhức nhối khi các loại văn bằng, chứng chỉ giả được rao bán công khai trong thời gian qua. Mặc dù cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại như một thách thức.

Làm giả cả bằng bác sĩ y khoa

Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1988) và Trương Văn Nho (sinh năm 1989), cùng ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Số lượng lớn con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức giả bị công an thu giữ - Ảnh: Công an cung cấp

Trước đó, Nho đưa cho Tiến con dấu giả của một UBND phường và bằng tốt nghiệp đại học giả đi giao cho khách. Trên đường đi, Tiến bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh), Công an quận Hoàn Kiếm đã thu giữ 1 máy ép nhiệt, 1 máy tính xách tay, 2 máy in, 1 màn hình máy tính, 247 phôi tài liệu, 325 giấy tờ giả, 58 dấu tròn, 15 dấu tên, 15 hộp dập dấu. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Một vụ việc tương tự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá băng nhóm làm bằng giả cực lớn. Khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Vũ Xuân Nghĩa, Lê Huỳnh Duy Anh và Vương Huỳnh Phát Đạt (cùng trú tại TP Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng đã thu giữ 4 bộ máy tính để bàn, 12 máy in, 1 ổ cứng di động chứa các file mẫu thiết kế phôi bằng, chứng chỉ giả; 50 con dấu nhựa chưa hoàn thiện; 1 máy làm con dấu và 2 dụng cụ đóng tạo phôi dấu.

Một tấm bằng bác sĩ y khoa được các nghi phạm làm giả - Ảnh: Công an cung cấp

Đặc biệt, công an thu giữ tang vật làm giả gồm 3.600 phôi bằng các loại; 110 học bạ, 1.300 con dấu cao su, 340 bảng điểm; 200 bản sao tốt nghiệp, 195 văn bằng, 115 chứng chỉ các loại... Trong số bằng cấp, chứng chỉ giả thu được, công an phát hiện nhiều bằng bác sĩ y khoa, bằng đại học của ngành sư phạm đã được in sẵn tên, chưa kịp chuyển cho người mua.

Xử lý cả người sử dụng bằng cấp giả

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Tiến Sơn (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, Hà Nội) cho biết, hành vi làm dấu giả, tài liệu giả và giấy tờ giả là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và xâm hại trực tiếp đến quan hệ xã hội được bảo vệ. Hành vi này là hành vi đặc biệt nguy hiểm, đây là những hành vi mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt nhằm qua mặt cơ quan chức năng để thực hiện những hoạt động không đúng đắn.   

Luật sư Nguyễn Tiến Sơn - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy

Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 - 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; Thu lợi bất chính 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng...

“Theo quy định của pháp luật, người sử dụng giấy tờ, tài liệu giả có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất của mỗi vụ việc. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ việc mới chỉ đưa những người trực tiếp làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ giả ra xử lý mà chưa xử lý những người sử dụng giấy tờ, tài liệu, văn bằng giả” - luật sư Nguyễn Tiến Sơn thông tin.

Cần thiết xử lý nghiêm trước pháp luật đối với người sử dụng giấy tờ, tài liệu, bằng cấp giả của cơ quan nhà nước. Có như vậy, tội phạm về làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức mới không còn đất tồn tại.

Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Vấn nạn văn bằng, chứng chỉ giả: Xử nghiêm cả người bán lẫn người sử dụng - Ảnh 4