Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn nhiều kẽ hở trong dự án BT

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người cho rằng đã bịt hết kẽ hở gây thất thoát trong dự án BT sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP.

Kỳ vọng thái quá, Nghị định không những chưa thể bịt hết các kẽ hở hiện tại mà còn có nguy cơ tạo ra kẽ hở mới.

Mục tiêu ra đời của Nghị định 69/2019/NĐ-CP (Nghị định 69) là bịt hết kẽ hở nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thất thoát tài sản công trong triển khai dự án BT. Nhưng cơ chế thực thi của nó vẫn chưa triệt để, còn nhiều phức tạp khó khăn, kẽ hở cũ chưa thể xử lý hết và kẽ hở mới có nguy cơ phát sinh.

Ý tưởng hai nhưng chỉ thực hiện được một

Trước nhiều tiêu cực trong triển khai dự án BT đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 31/10/2018 đã cho rằng, để khắc phục hạn chế của dự án BT, sắp tới sẽ tổ chức đấu giá hai đầu (đầu giá dự án và đấu giá giá trị đất thanh toán).

 Nút giao quốc lộ 5 - đường Nguyễn Văn Cừ được đầu tư theo hình thức BT mang lại hiệu quả tốt. Ảnh: Chiến Công

Sau ý tưởng nói trên của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 7/11/2018, người viết bài này đã có bài “Triển khai các dự án BT: Làm sao để chặn thất thoát tài sản công?”. Trong bài, tác giả đã cho rằng, “Đấu giá dự án để đảm bảo cho hình thức đầu tư BT minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh là rất cấp thiết. Còn đấu giá về giá trị đất, trường hợp này nhà đầu tư đấu giá với ai để xác định giá trị đất mình được nhận”.

Theo Nghị định 69, ý tưởng đấu giá hai đầu là vừa đấu giá dự án và vừa đấu giá giá trị đất thanh toán của Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ hiện thực hóa được một vế. Giá trị đất thanh toán cho Nhà đầu tư vẫn chưa thông qua đấu giá, mà giao cho Nhà đầu tư thông qua định giá.

Giải thích về vấn đề này Bộ Tài chính đã cho rằng, việc đấu giá tài sản công trong trường hợp dự án BT là không khả thi và lý giải, nếu sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án BT mà mang tài sản công ra đấu giá thì chỉ có một nhà đầu tư. Phải chăng lý giải của Bộ Tài chính đã phù hợp với ý kiến phản biện nói trên của tác giả?

Bài toán đấu giá tài sản công không phải không thực hiện được. Nếu coi tài sản công nhất định nào đó (đã được lựa chọn) làm nguồn thanh toán cho một dự án BT cụ thể, khi đó chính quyền tổ chức đấu giá tài sản công thu tiền trả cho Nhà đầu tư dự án BT. Quy trình này thông qua một đầu mối do chính quyền lập ra và tiến hành ghi thu, ghi chi cấp ngân sách tương ứng, tuân thủ Luật ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Thực ra, Nghị định 69 cũng đề cập có trường hợp đấu giá tài sản công dùng làm thanh toán dự án BT tại khoản 3, điều 1. Tuy nhiên, theo Nghị định thì vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của Bộ KH&ĐT mới biết trường hợp nào tài sản công phải bán đấu giá và quy chế đấu giá ra sao? Đương nhiên quỹ đất thanh toán chắc chắn không thuộc đối tượng được đấu giá.

Vẫn còn nhiều kẽ hở

Thứ nhất, Nghị định mới nhưng phương thức xác định giá trị tài sản công thanh toán dự án BT là không mới, vẫn thông qua thủ tục định giá. Cho dù việc định giá được thông qua Hội đồng tư vấn, rồi Hội đồng thẩm định, nhưng bản chất của việc định giá đó mang ý chí chủ quan của nội bộ chính quyền.

Điều đó không thể và không bao giờ ngăn chặn được những cú bắt tay “dưới gầm bàn” của các nhóm lợi ích. Thuật ngữ “đất định giá theo giá thị trường” giờ đây không tồn tại trên thực tế. Ngay cả khi định giá đất để xác định giá chào trong đấu giá đã luôn thấp hơn giá thị trường thử hỏi, định giá đất giao Nhà đầu tư BT thì giá đất sẽ thấp thế nào?

Thứ hai, Nhà đầu tư vẫn kiếm lợi được từ lợi dụng cho phép chênh lệch giữa giá trị đất và giá trị dự án BT. Nguyên tắc thanh toán phải ngang giá mà Nghị định đưa ra dường như còn hình thức, vì vẫn chấp nhận chênh lệch không có giới hạn giữa giá trị đất và giá dự án BT khi thanh toán.

Do giá đất được giao vẫn thấp hơn giá thị trường khá nhiều nên Nhà đầu tư tìm cách bắt tay chính quyền để được giao khu đất có giá trị cao hơn nhiều so với giá trị dự án. Nghị định không quy định giá trị đất thanh toán so với giá trị dự án chỉ được phép vượt một tỷ lệ phần trăm (mức tối đa có thể chấp nhận) đã tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm phát sinh.

Thứ ba, Nghị định 63/2018/NĐ-CP (Nghị định 63) quy định Nhà đầu tư chỉ được thanh toán sau khi hoàn thành công trình, chuyển giao công trình đó cho cơ quan Nhà nước. Nhưng Nghị định 69 lại cho phép Nhà đầu tư được thanh toán theo tiến độ hoàn thành của công trình.

Việc Nhà nước trả lãi vốn vay thay Nhà đầu tư (từ 80 - 90% giá trị dự án) và cho phép Nhà đầu tư được thanh toán theo tiến độ hoàn thành công trình đã biến dự án BT trở thành dự án đầu tư công mất rồi. Quy định giữa Nghị định 69 và Nghị định 63 đã có mâu thuẫn với nhau.

Nhà đầu tư có thể thỏa hiệp với chính quyền để được giao tài sản công với thời gian sớm hơn và giá trị lớn hơn so với thời gian nghiệm thu và giá trị được nghiệm thu từng mốc tiến độ. Nhà nước khó kiểm soát kẽ hở đó. Nó hoàn toàn khác với kiểm soát giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ thi công của dự án đầu tư phải qua cơ quan Tài chính và kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước.

Thứ tư, việc giao Nhà đầu tư ứng trước tiền để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất sẽ bàn giao và cộng chi phí đó vào giá trị dự án BT cũng là kẽ hở, làm lợi cho Nhà đầu tư và thiệt hại cho Nhà nước. Do giá đất bàn giao thấp hơn giá thị trường nên giá trị dự án tăng lên cũng đồng nghĩa Nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều hơn.
Trong câu chuyện kéo nhà đầu tư vào để chia sẽ khó khăn với chính quyền không có gì sai. Nhưng tại sao Nhà nước không hoàn trả bằng tiền (cả gốc và lãi) chi phí Nhà đầu tư ứng trước đền bù, giải phóng mặt bằng mà cho gộp vào giá trị dự án để rồi trả bằng giá trị đất?
Thứ năm, nếu không đấu giá trụ sở làm việc và kết cấu hạ tầng dùng thanh toán cho Nhà đầu tư là kẽ hở gây thất thoát tài sản công rất lớn trong triển khai dự án BT. Công trình trụ sở làm việc chủ yếu ở vị trí trung tâm, nằm trên các khu đất vàng có giá trị thương mại rất cao.
Định giá bằng cách nào?
Việc định giá trụ sở nằm trên khu đất vàng số 23 Lê Duẩn (Q.1, TP Hồ Chí Minh) để xác định giá khởi điểm đấu giá thời gian gần đây là bài học nguy cơ thất thoát tài sản công rất lớn do giao đất cho Nhà đầu tư không qua đấu giá. Tại đây, trong khi giá khởi điểm đưa ra là 550 tỷ đồng nhưng giá thắng thầu lên tới 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với mức giá khởi điểm.
Công trình trụ sở làm việc định giá đã khó, kết cấu hạ tầng lại tù mù hơn. Cảng Quy Nhơn được “bán như cho” thông qua định giá được cho đúng quy trình là thông điệp báo hiệu tình trạng tương tự sẽ xảy ra nếu Nhà nước dùng giá trị kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư không qua đấu giá.
Thứ sáu, điểm tích cực và cũng thành công nhất của Nghị định 69 là việc quy định giá trị dự án BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu. Tức từ đây việc giao dự án BT đều bắt buộc phải qua đấu thầu. Điều này không chỉ đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh, mà còn là công cụ hữu hiệu ngăn chặn lợi ích nhóm và tham nhũng thông qua trục lợi từ kê khống giá trị dự án BT.
Tuy nhiên, Nghị định 69 cũng quy định giá trị dự án BT được điều chỉnh khi cơ quan thẩm quyền cho phép điều chỉnh dự án, giống như trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư công. Kẽ hở gây đội vốn và tham nhũng trong triển khai dự án BT sẽ từ đây phát tác.

Do giá đất được giao vẫn thấp hơn giá thị trường khá nhiều nên nhà đầu tư tìm cách bắt tay chính quyền để được giao khu đất có giá trị cao hơn nhiều so với giá trị dự án. Nghị định không quy định giá trị đất thanh toán so với giá trị dự án chỉ được phép vượt một tỷ lệ phần trăm (mức tối đa có thể chấp nhận) đã tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm phát sinh.


Nhà đầu tư có thể thỏa hiệp với chính quyền để được giao tài sản công với thời gian sớm hơn và giá trị lớn hơn so với thời gian nghiệm thu và giá trị được nghiệm thu từng mốc tiến độ. Nhà nước khó kiểm soát kẽ hở đó. Nó hoàn toàn khác với kiểm soát giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ thi công của dự án đầu tư phải qua cơ quan Tài chính và kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước.