Vẫn phải nhắc lại, dù không muốn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tuần qua, có một sự kiện đáng quan tâm. Đó là ngày 5/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Lễ phát động tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho công nhân, viên chức, lao động.

Hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tiếp tục khơi dậy tinh thần tích cực, tự giác trong việc thực hiện tiêm chủng vaccine, tăng cường thêm khả năng miễn dịch cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19.

Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Lễ phát động tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho công nhân, viên chức, lao động ở góc độ nào đó cũng phản ánh một tình trạng đáng lo ngại. Đó là hiện nay, một bộ phận người dân, đơn vị đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu và trong cộng đồng xuất hiện tình trạng do dự, né tránh việc tiêm vaccine.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia. Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới và nguy cơ bùng phát dịch trở lại là hiện hữu.

Trước thực tế trên, xem ra có một sự việc dù không muốn vẫn nên nhắc lại. Đó là thời điểm cách đây hơn 1 năm, dịch bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh và sau đó là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam. Vào thời điểm đó, với mỗi người dân, được tiêm, tiêm sớm vaccine phòng Covid-19 là sự may mắn, giảm bớt nỗi lo dịch bệnh. Và chắc chúng ta cũng chưa quên những câu chuyện đáng buồn mà không kém phần hài hước ai đó khoe khoang là nhờ “ông ngoại” hay “ông anh” mà được tiêm trước, tiêm vaccine loại được cho là tốt.

Cũng không ít cán bộ đã bị kỷ luật vì vi phạm quy định về tiêm vaccine của Chính phủ. Và cũng cần nhắc lại, nhờ sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động ngoại giao vaccine của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta có đủ lượng vaccine để triển khai rộng khắp chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hơn một năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong, tiến tới khống chế thành công đại dịch, một thành quả được quốc tế đánh giá cao.

Nhắc lại chuyện cũ với mong muốn mỗi người chúng ta có nhận thức đúng đắn. Đó là chúng ta có cuộc sống trong trạng thái bình thường hôm nay với mọi hoạt động kinh tế, xã hội đang đà phục hồi và phát triển, một phần rất lớn là nhờ kết quả của việc thực hiện thông điệp 5k+ vaccine. Và việc tiêm các mũi vaccine tăng cường (mũi 3 và mũi 4) là vô cùng cần thiết để bảo vệ và nhân rộng thành quả nói trên.

Các nghiên cứu trên thế giới và của Việt Nam chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron. Do vậy việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với người từ 50 tuổi trở lên, từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc các khu công nghiệp…

Ngày 2/7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cũng là để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, người dân hãy tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần