Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 01/4,...

Kinhtedothi - Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 01/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã khái quát một số nội dung của phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra cùng ngày và tập trung giải đáp, làm rõ thêm nhiều câu hỏi đang được dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, các thành viên Chính phủ đều nhất trí cho rằng đến giờ này, có thể đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ công tác của quý I/2014, tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan chủ trì phiên họp báo thường kỳ của VPCP.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan chủ trì phiên họp báo thường kỳ của VPCP.
Ba tháng đầu năm, Thường trực Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo triển khai kế hoạch nhiệm vụ của năm 2014; tình hình chung cho thấy kinh tế-xã hội có những tín hiệu tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, có những chỉ tiêu cơ bản không phát triển từ lâu cũng đã nhích lên.

Công tác an sinh xã hội, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các ngành, các cấp quan tâm và thực hiện hiệu quả.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tiếp tục tháo gỡ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA… Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để định hướng dư luận xã hội, tạo tâm lý ổn định cho người dân. Lấy ví dụ về việc thông tin trong ứng phó với dịch bệnh trong ngành Chăn nuôi, Bộ trưởng nói: “Báo chí phải giúp thông tin cho người dân, để người tiêu dùng  yên tâm và để người  nông dân khỏi bị ảnh hưởng khi bỏ rất nhiều công sức để chăn nuôi”.

Thái Thanh (Phóng viên VTV): Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết quy trình để một cơ quan của Chính phủ đăng cai một sự kiện thể thao, văn hóa như thế nào? Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng VHTTDL báo cáo về phương án đăng cai, tổ chức ASIAD. Tuy nhiên, Bộ trưởng VHTTDL đã có phiên giải trình trước UBTVQH cách đây 2 tuần mà đáng nhẽ phải có báo cáo Chính phủ trước. Liệu hai báo cáo này có nội dung gì khác nhau hay không?

Trong phiên họp này, Chính phủ có đề cập vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông sản, cụ thể mấy ngày nay đang có ùn ứ dưa hấu ở cửa khẩu. Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện triệt để tái cơ cấu nông nghiệp, liệu có giải pháp mới nào đưa ra để không thể xảy ra tình trạng tương tự?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư để tạo điểm nhấn, qua đó phát triển các mặt khác.

Theo quy trình đăng cai ASIAD thông thường, từ năm 2010 Bộ VHTTDL đã nắm thông tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn bạc thống nhất chủ trương bắt đầu chuẩn bị việc đăng cai tổ chức ASIAD 18. Sau khi được sự đồng ý về chủ trương, Bộ VHTTDL phối hợp các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức ASIAD 18. Trước đó chúng ta đã tổ chức các sự kiện lớn nhưng chưa tầm cỡ bằng ASIAD. Sau đó Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý để Việt Nam đăng cai.

Giai đoạn hai chúng ta bắt đầu chuẩn bị. Nhiệm vụ của Bộ VHTTDL cùng các bộ, ngành có liên quan, cùng Hà Nội và các địa phương lân cận khảo sát lại xem khả năng chúng ta có làm được không. Lúc đó Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nắm kỹ, lắng nghe các ý kiến, sau đó báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rồi mới quyết định có đăng cai chính thức hay không. Về quy trình là như vậy.

Trong quá trình làm, Bộ VHTTDL nhận được yêu cầu của UBTVQH báo cáo hoạt động thường xuyên, trong đó có việc chuẩn bị ASIAD. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã báo cáo.

Những ngày qua, chúng ta nghe rất nhiều ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, những người tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước… băn khoăn và đưa ra những hình ảnh minh họa về việc nên hay không nên đăng cai ASIAD. Trong đó, vai trò báo chí cực kỳ quan trọng. Có những bài báo sắc sảo, công phu để góp ý Chính phủ trước khi quyết định.

Sáng nay, Thủ tướng có giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ VHTTDL tuần sau báo cáo để Thủ tướng nghe và quyết định. Chúng ta tin tưởng rằng, từ những thông tin, luận cứ, góp ý… chắc chắn Thủ tướng sẽ có kết luận, quyết định có tình, có lý trên cơ sở lắng nghe từ nhiều phía.

Thứ hai, đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong Nghị quyết của Đảng có 3 vấn đề lớn, trọng tâm, đột phá, 3 nhiệm vụ chính trong đó có những mặt bàn bạc về tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, tái cơ cấu về đầu tư, chuẩn bị trọng tâm về cải cách hành chính, nguồn nhân lực, hạ tầng… Sau này tình hình diễn biến cho thấy ngành Nông nghiệp có những vấn đề chựng lại, mà đây là ngành nòng cốt, trụ cột của nền kinh tế, hiện đứng trước khó khăn nhiều mặt cho thấy cần tái cơ cấu, gắn với phát triển nông thôn.

Tình trạng phóng viên nêu là hiện nay sản xuất ra hàng hóa nhưng khó khăn trong tiêu thụ đã nhiều năm, không chỉ dưa hấu mà còn cả cá tra, lúa gạo… Vì vậy, vừa rồi Thủ tướng đã trực tiếp quyết định mua gạo tạm trữ, giúp nông dân vượt qua khó khăn, khắc phục tình trạng được mùa mất giá. Cũng có thông tin là chúng ta vẫn đang xử lý theo kiểu tình thế và liệu đó có phải cách xử lý tốt nhất không? Hiện nay, Chính phủ đang tính toán tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là một chủ đề lớn, rộng, cần thời gian để bàn bạc thấu đáo. Trong hội nghị tổ chức tại Cần Thơ vừa rồi, những kết luận của Thủ tướng đã yêu cầu chuẩn bị cho các bước tái cơ cấu nông nghiệp chứ không thể giải quyết ngay trong lúc này.

PV Thế Dũng (Báo Người Lao động): Liên quan đến ASIAD, có nhiều ý kiến của các chuyên gia ngay cả trong lĩnh vực thể thao cho rằng, Bộ VHTTDL tính toán hiện đã có 80% cơ sở vật chất thể thao nhưng rất nhiều cơ sở được làm từ Seagame 22, tức là đã lâu. Bên cạnh đó, mức độ thi đấu của Seagame 22 so với ASIAD là rất thấp. Thi đấu ASIAD 18 là thi đấu đỉnh cao, gần tương đương với Olympic. Vì vậy những thiết bị thi đấu không đáp ứng được ASIAD 18 nên tổng đầu tư không thể nằm ở con số như Bộ VHTTDL dự báo. Chính phủ có lắng nghe những ý kiến này không và nếu con số này vượt tính toán của Bộ thì Chính phủ có quyết dừng tổ chức không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Bây giờ thì chưa quyết nhưng chúng tôi đã tổng hợp hầu như tất cả ý kiến và có báo cáo đầy đủ. Nhưng chúng ta không nên trách ngành TDTT cố gắng ra sức bảo vệ quan điểm của ngành vì đấy là trách nhiệm của ngành. Nếu để tuột sự kiện này thì sẽ không có cơ hội tổ chức sự kiện lớn, không chỉ phục vụ cho ngành mà còn cho đất nước.

Về lý lẽ, hiện nay cơ sở chúng ta đã làm cho những kỳ Seagames và những kỳ thể thao trước đó có thể sử dụng lại được, chỉ cần tu bổ lại. Đó là điều tra báo cáo với con số 80% cơ sở vật chất sử dụng được. Thứ hai, nếu không tổ chức ASIAD thì cũng phải bỏ một số kinh phí nhất định để bảo trì, tu bổ, bảo quản những công trình này. Những lý lẽ đó của những người đang bảo vệ việc tổ chức ASIAD cũng rất thuyết phục. Tất nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ làm việc thì sẽ nghe kỹ và phải có báo cáo từ Bộ VHTTDL, từ các cơ quan chức năng cũng như địa phương, đơn vị thẩm định. Ý kiến của bạn rất hay, tôi sẽ ghi nhận để xem xét, tới đây khi Thủ tướng làm việc, sẽ đặt vấn đề này ra để ngành VHTTDL có trách nhiệm trả lời.

PV Báo Tuổi trẻ TPHCM: Báo Tuổi trẻ có phỏng vấn một số nguồn tin và một số cán bộ trong ngành thể thao nói, để đăng cai ASIAD, chúng ta đã nộp một khoản tiền đặt cọc khá lớn. Vậy xin hỏi, đến nay, Nhà nước đã chi một đồng ngân sách nào vào việc tổ chức ASIAD chưa? Cũng có thông tin nói chính vì đã đặt cọc, nếu rút sẽ bị phạt. Vậy thông tin này có chính xác không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đến giờ này, theo tôi biết, chúng ta chưa đặt cọc đồng nào cả, chỉ đề nghị đăng cai ở thời điểm năm 2010 và có bước vận động, nhằm dự định cho năm 2019. Chúng ta tính 9 năm sau, đất nước có bước phát triển theo lộ trình. Sau đó người ta sẽ xét, giao cho mình với những điều kiện mình có thể đáp ứng được. Nhưng tình hình khó khăn, nên bây giờ đang ở thế mà có người nói là “tiến thoái lưỡng nan”. Thực ra theo tôi hiểu, không có vấn đề gì ràng buộc lớn ở chỗ này. Tiền lệ đã có hai nước từng trả lại. Đến giờ này, thể thao châu Á có 4 nước tổ chức. Tất nhiên quy định trả lại cũng có điều kiện, nhưng chúng ta có lý lẽ, nếu như thấy không đủ các điều kiện đảm bảo cho ASIAD. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng cũng chưa nghe thông tin nói rằng khi trả lại thì bị phạt, hình như không có chế tài gì ở đây. Tinh thần hiểu là như vậy.

Thưa Bộ trưởng, về việc đăng cai ASIAD, vướng mắc cũng chỉ là phương án khả thi hay không? Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có phân tích về nguồn kinh phí và cơ sở hạ tầng. Vậy Chính phủ có thể phân tích kỹ hơn về tính khả thi trong trường hợp này không và theo tôi biết, Bộ VHTTDL đã 2 lần họp nhưng tới thời điểm này vẫn chưa có báo cáo gửi Thủ tướng trong khi thời gian không còn nhiều?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Khả thi hay không thì dễ thôi. Một người nói là nên làm, một người nói không, cứ cho là 50/50. Khi đưa ra, người ta sẽ nêu rõ “nên” là như thế nào. Bây giờ mình chưa được nghe nên chưa thể trao đổi ở đây.

Mỗi phương án đều có mặt nhược và ưu điểm. Khi đưa ra 2 phương án, có sự so sánh thì người lãnh đạo sẽ cân nhắc, xem xét. Giờ tính khả thi là như vậy, nhưng còn có ý nghĩa không thể cân đong đo đếm. Công bằng mà nói, trên thực tế, chưa bao giờ tổ chức đại hội thể dục thể thao mà tính ngay đến chuyện lời lãi, nhưng chúng ta thu được nhiều mặt. Đó cũng là khía cạnh để cân nhắc, để thông cảm cho người hiện đang tập trung bảo vệ cho cái “nên”. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đất nước và hoàn cảnh chúng ta hiện nay, người lãnh đạo sẽ cân nhắc tính khả thi hay không. Sau khi có quyết định, tôi sẽ thông báo với báo giới.

Phóng viên Báo Điện tử Infonet: Trong cuộc họp Chính phủ lần này, Chính phủ có bàn chuyện tái cấu trúc Tập đoàn VNPT không, phương án lựa chọn thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tập đoàn VNPT là đơn vị lớn, chủ lực của ngành Viễn thông Việt Nam, một thương hiệu mạnh của Việt Nam và đã góp phần lớn, đi tiên phong trong một thời gian dài trong quá trình đột phá của lĩnh vực khoa học-công nghệ của đất nước. Vì thế, Chính phủ rất thận trọng, chặt chẽ, dành nhiều thời gian khi bàn về tái cơ cấu VNPT. Chiều qua, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngành báo cáo tình hình. Đã có kết luận và sẽ có văn bản chính thức trong thời gian sớm nhất, cung cấp thông tin chính xác cho báo chí.

Tinh thần chung, Chính phủ đồng ý theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông là tách phần viễn thông di động ra để chuẩn bị cho cổ phần hóa đúng theo lộ trình, kế hoạch. Phần còn lại tiếp tục củng cố làm sao cho cả 2 cùng mạnh, tiếp tục giữ thương hiệu và phát triển ngày càng tốt hơn, giao trách nhiệm này lại cho bộ chủ quản thực hiện kế hoạch tái cơ cấu cổ phần hóa theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ, thường trực Chính phủ đã quyết định, cho ý kiến.

Phương Thủy (PV Báo Lao động): Vụ bê bối hối lộ liên quan đến dự án đường sắt đang khiến dư luận hết sức quan ngại về sự minh bạch và hiệu quả các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Những thông tin được tiết lộ cho thấy có nhiều bất cập lớn trong quy định của Nhật liên quan đến dự án vốn vay ưu đãi đặc biệt cũng như dự án đường sắt này. Chẳng hạn Việt Nam sẽ phải sử dụng những tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát của nước cấp vốn vay cũng như bất cập về đấu thầu khiến cho hết chu kỳ dự án thì vốn vay ưu đãi đặc biệt này không rẻ hơn vốn vay ưu đãi thông thường và còn đắt hơn vốn vay thương mại. Xin được hỏi Bộ trưởng, thông tin này được đề cập như thế nào trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay để có thể tìm ra cơ chế xử lý những bất cập này trong thời gian tới? Liệu đã đến lúc Việt Nam nên từ chối những dự án kiểu như thế này hay chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về vấn đề này, những ngày gần đây, chúng ta đã nghe nhiều nhưng đây chỉ mới là thông tin ban đầu, chúng ra vẫn chưa biết cụ thể như thế nào. Mặc dù vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương, nhanh chóng phối hợp với bạn nắm thông tin, điều tra làm rõ, sớm có kết luận để xử lý nghiêm minh. Chúng ta có thể thấy được sự chỉ đạo của Chính phủ thể hiện ở việc có hai Phó Thủ tướng chỉ đạo, cùng với những chỉ đạo bằng văn bản và trực tiếp từ các bộ, ngành. Trước khi lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể đồng thời, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã tranh thủ gặp Thủ tướng Nhật Bản. Tôi chứng kiến lời đầu tiên hai Thủ tướng gặp nhau là: Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Nếu là sự thật thì phải nhanh chóng rút kinh nghiệm để ngăn chặn những chuyện tương tự xảy ra. Thủ tướng nói: Chúng tôi sẽ cố gắng không để ảnh hưởng đến sự giúp đỡ về ODA của Nhật. Điều đó nói lên quyết tâm của Việt Nam, khi có thông tin dù chưa rõ nhưng chúng ta quyết tâm phải làm và đang làm. Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, cử một Thứ trưởng trực tiếp qua Nhật Bản để gặp các tổ chức có liên quan để làm rõ. Hiện nay các cơ quan đang điều tra, làm rõ.

Trong cuộc họp hôm nay, Thủ tướng chỉ đạo làm thận trọng, quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra. Dự án sử dụng vốn ODA đang nói đến có quy định đặc biệt là chỉ nhà thầu Nhật Bản mới được tham gia. Lúc đầu, có nhiều nhà thầu Nhật Bản tham gia nhưng về sau chỉ còn một, như vậy không còn yếu tố cạnh tranh và những yếu tố khác đi theo. Vì vậy phải hết sức thận trọng. Đây mới là nguồn tin nên trước hết mình phải tin mình, phải bảo vệ người Việt Nam mình. Khi sai phạm đã rõ thì phải xử lý. Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ, chúng ta cần phải làm đúng quy trình điều tra, thận trọng nhưng vẫn phải kỹ lưỡng. Đây là câu chuyện dài nhưng hiện nay chúng ta đang chờ đợi, cơ quan công an, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc. Chúng ta tin tưởng sẽ làm quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm và sẽ xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm.

PV báo Vietnam Investment Review: Liên quan đến vụ án của công ty JTC thì sắp tới  ngày 1/7/2014, Luật Đấu thầu được thông qua vào cuối năm 2013 sẽ chính thức có hiệu lực. Xin hỏi Bộ trưởng có nghĩ rằng những quy định mới trong Luật Đấu thầu với quan điểm tiến bộ có thể ngăn chặn được các lỗ hổng pháp lý dẫn đến một số sai phạm trong các dự án ODA trong thời  gian vừa qua không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Luật đã ra rồi và theo xu thế bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi, trải qua một chặng đường để rút kinh nghiệm với tinh thần cố gắng bằng mọi cách để lấp hết các lỗ hổng. Tuy nhiên, mọi điều có thể xảy ra chính là do vấn đề con người. Luật pháp đề ra chuẩn mực để chúng ta thực hiện trách nhiệm giám sát, kiểm tra các khâu. Đó là việc quan trọng để bịt kín các chỗ hở dẫn tới tiêu cực. Đến giờ phút này, khi bàn về vấn đề luật, chúng ta đã đem hết các kinh nghiệm, sáng tạo, suy nghĩ, rút kinh nghiệm của thế giới nhưng hỏi rằng chúng ta đã làm đủ chưa thì tôi phải nói rằng chúng ta cần phải kết hợp nhiều biện pháp chứ không phải luật có thể làm được tất cả.

PV báo Pháp luật TPHCM: Vừa rồi báo chí có đưa thông tin nhiều về chuyện nhà công vụ. Có nhiều cán bộ sau khi nghỉ hưu không có nhu cầu sử dụng nhà nữa nhưng vẫn giữ lại nhà. Xin hỏi Chính phủ có hướng xử lý thế nào đối với vấn đề này? Còn rất nhiều nhà công vụ tại Hà Nội, nhất là những biệt thự lớn thuộc các chế tài quản lý khác như các cơ quan của Đảng, của quân đội, chúng ta có cơ chế quản lý thống nhất không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đây cũng là câu chuyện không vui mà mấy ngày qua báo chí phân tích, phát biểu quan điểm và có những nhận xét về một số cán bộ hiện nay nằm trong diện bạn vừa hỏi.

Theo luật quy định, nhà công vụ là nhà dành cho những cán bộ nhận nhiệm vụ ở những nơi họ không có nhà ở. Đối tượng thứ nhất là những cán bộ, công chức. Đối tượng thứ hai là lực lượng sĩ quan công an, quân đội chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng. Đối tượng thứ ba là cán bộ lãnh đạo.

Thông thường, cứ đến công tác ở đâu được bố trí nhà theo điều kiện sẵn có ở địa phương đó. Có nơi đã xây những nhà công vụ theo đúng nghĩa, tùy theo điều kiện khách quan của từng nơi. Đến giờ này, theo tôi nghe phản ánh chung thời gian qua thì nhà công vụ không nhiều lắm, mà chỉ tập trung ở các thành phố lớn, Hà Nội là nhiều nhất và tập trung ở Hoàng Cầu. Những người ở nhà công vụ khi hết thời gian công tác thì không còn tiêu chuẩn ở nhà công vụ nữa. Theo báo cáo, có rất nhiều trường hợp, nhiều người khi hoàn thành nhiệm vụ đã trả nhà, kể cả cán bộ cao cấp. Nhưng cũng không ít trường hợp ở lại, có trường hợp vì lý do khách quan, có trường hợp lại là những người khác ở lại…

Có cơ sở cho thấy tại sao lại có điều này. Theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ trước đó đối với nhà công vụ, đơn giản chỉ là làm nhà công vụ để ở, quy định, chế tài chưa được rạch ròi, rõ ràng. Hồ sơ giao nhà, thu hồi nhà cũng phần lớn là tự giác. Khi xuất hiện tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 615 năm 2013 quy định rõ về thủ tục, chế tài, nhằm điều chỉnh tồn đọng, giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng quản lý. Bộ Xây dựng thành lập một tổ chức chuyên trách. Về mặt chế tài, nếu như ai hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ, tổ chức này sẽ báo trước thời gian 6 tháng. Khi tổ chức đã thông báo, nếu vì lý do nào đó cán bộ chưa thực hiện thì tổ chức sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết.

Tuy nhiên, bản thân cán bộ cũng phải tự giác, gương mẫu chấp hành đúng quy định về nhà công vụ. Tôi tin rằng sau Quyết định năm 2013 và những công việc hiện nay đang làm, sẽ khắc phục được tồn tại. Đây là mô hình đúng để quản lý nhà công vụ.

Hoàng Yến (Thời báo Tài chính): Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết tỷ lệ nợ xấu giảm còn 7% trong khi mới đây NHNN cũng thông báo tỷ lệ nợ xấu còn 3,6%. Vậy thông tin nào chính xác, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hiện nay trên diễn đàn đại chúng có mấy thông tin không thống nhất, kể cả nợ quốc gia, nợ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp… Đó là do có những cách tính khác nhau, thời điểm khác nhau. Về tỷ lệ nợ xấu, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tin Thống đốc NHNN. Thống đốc nói là có cơ sở rõ ràng và chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Diệu Trang (PV Trung tâm Tin tức Đài THVN): Trong thời gian không lâu chúng ta đã cử đoàn thanh tra tới điều tra các doanh nghiệp kinh doanh sữa. Đến nay kết quả thanh tra này như thế nào và bao giờ công bố kết quả thanh tra?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Liên quan đến vấn đề sữa, trong cuộc họp báo Chính phủ lần trước chúng ta đã đề cập. Trong cuộc họp Chính phủ tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo. Có rất nhiều ý kiến quan tâm vì đây là vấn đề lớn. Hiện nay đã thành lập 5 đoàn đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh sữa mà chúng ta thấy cần kiểm tra. Công tác kiểm tra vẫn chưa kết thúc. Tiến độ thời gian tùy thuộc vào quá trình kiểm tra. Tuy nhiên Chính phủ đã có sự chỉ đạo chặt chẽ nên tôi tin tưởng là tiến trình kiểm tra sẽ kết thúc sớm để sớm có thông báo với công luận.