Vận tải hàng hóa vực dậy ngành đường sắt

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm đang quay cuồng cơn bão dịch Covid-19 đã khiến ngành đường sắt nhận ra được giá trị cốt lõi - đó chính là vận tải hàng hóa.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa đang là “cứu cánh” của ngành đường sắt trong dịch Covid-19. Ảnh: Duy Anh
Bỏ quên thế mạnh
Đường sắt là “xương sống” vận chuyển hàng hóa. Ngược lại, vận tải hàng hóa cũng là nguồn sống chính của đường sắt. Trong khi đó, đã hơn một thế kỷ nay, hạ tầng đường sắt Việt Nam vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Không những thế, chiến lược đầu tư sai hướng khi tập trung vào vận tải hành khách suốt những năm qua càng khiến cho đường sắt Việt Nam bị bỏ lại trong cuộc đua với những loại hình vận tải khác như: Hàng không, đường bộ, thậm chí cả đường thủy nội địa.

Theo báo cáo tài chính của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR), trong 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, khiến doanh thu của Tổng Công ty cũng sụt giảm theo tỷ lệ thuận. Cụ thể, lượt hành khách lên tàu tính đến hết tháng 5/2021 chỉ đạt hơn 1,15 triệu, bằng 64,6% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 400,6 tỷ đồng, chỉ bằng 51,4% so với cùng kỳ của năm 2020.

Theo VNR, sự sụt giảm trên phần lớn do ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ 4. Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, có ổ dịch phức tạp, đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những khó khăn này báo hiệu một năm doanh thu sụt giảm mạnh của VNR. Tương lai này ngày càng hiển hiện trước mắt khi Tổng Công ty dự kiến Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lỗ gần 193 tỷ đồng, doanh thu chỉ bằng 84,4% so với năm 2020. Còn Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến doanh thu vận tải bằng 87,1% cùng kỳ. Tổng doanh thu bằng 88,6%, dự kiến lỗ hơn 227 tỷ đồng.

Chuyển hướng kịp thời

Trên thực tế, việc xoay từ vận tải hành khách sang hàng hóa được hầu hết các loại hình vận tải ở Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, với đường sắt dường như là thuận lợi nhất bởi chính khi tập trung vào tận tải hàng hóa, mới tìm ra giá trị cốt lõi. Thống kê của VNR cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng vận tải hàng hóa đạt 2,4 triệu tấn, bằng 126,9% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 713,5 tỷ đồng, bằng 121,8% so với cùng kỳ. Nhờ vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt, doanh thu vận tải 6 tháng thực hiện được 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020 . Đặc biệt, khi xoay sang vận tải hàng hóa, đường sắt có được lợi thế vượt trội so với nhiều loại hình vận tải khác nhờ khối lượng lớn, chi phí thấp.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định, sự chuyển mình sang tập trung vào vận tải hàng hóa là một bước đi rất hợp lý và kịp thời của ngành đường sắt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành cũng như tình hình sản xuất kinh doanh thua lỗ. Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, đường sắt có đặc trưng rất riêng là có một mạng lưới hạ tầng riêng biệt, không chung với bất cứ lĩnh vực vận tải nào khác. Điều này khiến tính linh hoạt của đường sắt thua xa đường bộ. Tốc độ tàu chạy chậm, nhưng bù lại, khả năng “cõng” được khối lượng hàng hóa khổng lồ. Đây chính là lợi thế nội tại, là sở trường của đường sắt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần