Vẫn thiếu giải pháp căn cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Phúc Thọ diễn biến hết sức phức tạp. Việc xử lý vi phạm đến nay vẫn là bài toán khó, đòi hỏi giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài hơn.

Xâm phạm tài nguyên khoáng sản

Sông Hồng đoạn chảy qua địa phận huyện Phúc Thọ nằm tiếp giáp với các huyện Vĩnh Tường và Vĩnh Ninh (tỉnh Vĩnh Phúc). Khu vực này được ghi nhận là “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TP nói chung, bởi thường xuyên có sự xuất hiện của tàu cuốc, hút cát neo đậu, hoạt động trái phép. Trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ Đặng Văn Nghĩa cho biết, việc khai thác cát trái phép diễn ra bất kể ngày đêm, tập trung ở khu vực sông Hồng thuộc địa phận các xã Phương Độ và Sen Chiểu (giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc). Tình trạng này nghiêm trọng tới mức, khu vực bãi bồi thuộc xã Phương Độ đang ngày một suy giảm về diện tích, về lâu dài có nguy cơ xóa sổ. Không chỉ vi phạm quy định pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản, việc khai thác cát trái phép còn khiến lòng sông sụt sạt, gây biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng tới hệ thống đê điều phòng, chống lũ ven sông Hồng của địa phương…
Vận chuyển cát trên sông Hồng.
Vận chuyển cát trên sông Hồng.
Điều đáng nói, việc xử lý các tàu cuốc, hút cát này hiện gặp rất nhiều khó khăn. Thượng úy Trần Văn Tiến – Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và ma túy (Công an huyện Phúc Thọ) cho biết, tất cả các tàu này khi bị yêu cầu kiểm tra hành chính thì đều xuất trình được Giấy phép khai thác cát do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp, không có đơn vị nào được UBND TP Hà Nội cấp phép! Các tàu thường lợi dụng những thời điểm vắng lực lượng chức năng, di chuyển sang địa phận huyện Phúc Thọ để khai thác cát trộm.

Ông Nghĩa cho biết thêm, đầu năm 2015, các sở, ban, ngành liên quan của TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc, khảo sát ngoài thực địa và đi đến thống nhất việc cắm mốc địa giới hành chính (theo bản đồ địa giới hành chính 364). Tuy nhiên, một số tàu khai thác cát của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn ngang nhiên vi phạm.

Cần cấm hoàn toàn

Trung tá Hoàng Ngọc Cương – Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, Công an huyện đã bắt giữ, xử lý 7 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 228 triệu đồng. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ nguồn khoáng sản này rất lớn nên các công ty khai thác vẫn tiếp tục vi phạm bất chấp quy định của pháp luật. Cũng theo ông Cương, lực lượng Công an huyện vẫn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng huyện, TP túc trực liên tục tại các khu vực nóng về tình trạng khai thác cát trái phép. Ngoài ra, đơn vị còn bố trí cán bộ, chiến sĩ ghi hình các trường hợp vi phạm, báo cáo huyện, TP làm cơ sở kiến nghị tỉnh Vĩnh Phúc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Liên quan tới vấn đề quản lý Nhà nước về khai thác cát, huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo 5 xã trên địa bàn có khu vực sông giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên theo dõi, ghi nhận, báo cáo gửi về UBND huyện tổng hợp, đề xuất TP hướng xử lý. Tuy nhiên, để công tác này được thực hiện triệt để, ông Hoàng Mạnh Phú – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ kiến nghị, TP đề xuất Bộ TN&MT sớm xem xét việc cấm hoàn toàn việc khai thác cát dưới lòng sông Hồng. Đây không chỉ là giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép hết sức phức tạp hiện nay, mà còn góp phần đảm bảo an toàn phòng, chống lũ trên sông Hồng. Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ tiếp tục kiến nghị TP chỉ đạo Phòng CSGT đường thủy, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc siết chặt hơn nữa việc quản lý khai thác cát trên sông Hồng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp làm trái quy định, thậm chí có thể xem xét tước giấy phép kinh doanh các đơn vị này nếu tiếp tục tái diễn vi phạm.