Chồng chéo trong xúc tiến
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã thu hút trên 9,5 tỷ USD vốn FDI. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong thu hút vốn FDI nhưng hoạt động này có thể đạt kết quả cao hơn nữa nếu như gỡ bỏ được một số cơ chế chồng chéo trong công tác xúc tiến.Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, có 5 địa phương là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng sang Hàn Quốc xúc tiến đầu tư và tổ chức tới 3 hội thảo xúc tiến đầu tư ở cùng một địa điểm. Việc liên tục tổ chức xúc tiến thương mại trong một thời gian ngắn, khiến đối tác bị quá tải về thông tin, hiệu quả mang lại không cao.
Sản xuất mũ bảo hiểm xuất khẩu sang thị trường Mỹ của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Vĩnh Phúc.Ảnh: Hoài Nam
Không chỉ có thị trường Hàn Quốc "quá tải" mà các thị trường khác cũng trong tình trạng tương tự. Tại thị trường Nhật Bản, từ đầu năm đến nay đã có đến 25 tỉnh, thành tổ chức các hoạt động kêu gọi đầu tư. "Điều đáng nói ở đây là nội dung kêu gọi vốn đầu tư của nhiều đoàn đưa ra "từa tựa" như nhau, không có nhiều khác biệt", ông Lê Hữu Quang Huy, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết.
Theo các tham tán đầu tư tại nước ngoài, có tình trạng này là do Bộ KH&ĐT chưa chỉ ra được ai sẽ là "nhạc trưởng" trong quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, hầu hết hồ sơ kêu gọi của các địa phương mới chỉ dừng lại ở mức giới thiệu chung chung, không chỉ ra ngành nghề kêu gọi đầu tư cụ thể; Nhiều dự án không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhưng địa phương vẫn kêu gọi.
Xúc tiến có trọng tâm
Để đẩy mạnh thu hút vốn FDI, trong thời gian tới hoạt động xúc tiến cần hướng đến trọng tâm.
Ông Lê Tuấn Anh, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, đã đến lúc hoạt động xúc tiến đầu tư không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu chung chung mà phải đề cập cụ thể, chi tiết thế mạnh của Việt Nam, các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể mà chúng ta kêu gọi đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tham tán đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đề xuất: Nên tập trung xúc tiến đầu tư theo từng lĩnh vực, dự án trọng điểm, tăng cường tiếp xúc riêng với các nhà đầu tư có tiềm năng. Theo đó, địa phương muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nào, dự án cụ thể nào, trước khi tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư tại nước bản địa nên gửi thông tin trước để các đại diện xúc tiến đầu tư ở nước ngoài có thể tìm kiếm những nhà đầu tư phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các tham tán thương mại tại nước ngoài, bản thân các địa phương cũng như Bộ KH&ĐT cũng cần xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư cho từng lĩnh vực cụ thể; Bộ KH&ĐT phải trở thành "nhạc trưởng" quản lý hoạt động này để hạn chế tình trạng chồng chéo như hiện nay. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức biên tập tài liệu kêu gọi đầu tư một cách bài bản bằng việc đưa ra những thông tin rõ ràng về dự án, từ đó tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian tới, Chính phủ cũng nên tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường các cuộc đối thoại song phương giữa Chính phủ với Chính phủ, Ngân hàng - ngân hàng, tạo cơ chế phối hợp giữa Bộ KH&ĐT với Bộ Ngoại giao trong trao đổi thông tin.