Giá vàng tăng từng giờ
Lúc 11 giờ, giá vàng miếng SJC bán ra được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 91,83 triệu đồng/lượng, tăng 1,33 triệu đồng/lượng so với mức giá 90,5 triệu đồng/lượng công bố đầu giờ sáng. Giá mua vào cũng tăng 1,3 triệu đồng, đứng ở 89,5 triệu đồng/lượng so với mức giá 88,2 triệu đồng/lượng lúc mở cửa. Đến 11 giờ 30, giá vàng SJC chính thức chạm ngưỡng 92 triệu đồng/lượng bán ra Giá thu mua là 89,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán vàng là 2,3 triệu đồng/lượng.
Như vậy so với giá đóng cửa ngày trước đó, giá vàng miếng SJC đã tăng 2,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng nhẫn chỉ tăng nhẹ. Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn SJC lúc 11 giờ 30 đứng ở 74,35 triệu đồng/lượng (mua vào), 76,15 triệu đồng/lượng (bán ra) so với mức giá 74,3- 76 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) đầu giờ sáng. So với hôm qua, giá vàng nhẫn tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Trước đó, ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 3 thành viên với giá trúng thầu cao nhất, thấp nhất cùng 86,05 triệu đồng/lượng. Đây là phiên đấu thầu thứ 2 thành công với cùng khối lượng trúng thầu kể từ khi NHNN thực hiện chủ trương đấu thầu vàng miếng.
Sau phiên đấu thầu vàng của NHNN, giá vàng trong nước tăng vùn vụt trong 2 ngày qua. Tính chung 2 ngày, giá vàng trong nước đã tăng 3,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đi lên cùng chiều với giá thế giới. Tuy vậy, so với diễn biến thế giới, giá vàng trong nước tăng nhanh hơn rất nhiều.
Lúc 11 giờ 30 trưa 10/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới lên 2.352,78 USD/ounce, tăng thêm gần 10 USD so với đầu giờ sáng chốt ở mức 2.345 USD một ounce và tăng hơn 40 USD/ounce so với phiên 9/5. Đây là mức cao nhất 2 tuần qua.
Kim loại quý bật tăng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số xin trợ cấp thất nghiệp lên 231.000 đơn vào tuần trước. Con số này cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Reuters, dấy lên kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi sớm sau 6 lần giữ nguyên.
Hiện chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế đã lên tới 18,5 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua là 16 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia và người giao dịch vàng, cùng với tăng theo giá vàng thế giới, khi giá vàng trúng thầu ở mức cao trên 86 triệu đồng/lượng, giá vàng trên thị trường sẽ phải ở mức cao hơn giá này và chưa thể giảm ngay. Chưa kể cộng hưởng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng vọt. Thậm chí có thời điểm, giá vàng SJC trong nước tăng ngay cả trong lúc giá vàng thế giới giảm hoặc đi ngang.
So với đầu tuần, giá vàng miếng SJC đã tăng 5,5 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn tăng 1,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới đã tăng 50 USD/ounce, tương ứng 1,5 triệu đồng/lượng. Với mức giá 2.352,8 USD/ounce hiện tại, quy đổi tương đương gần 73 triệu đồng/lượng thế nhưng giá bán vàng miếng SJC lên đến 92 triệu đồng/lượng.
Nguồn cung khan hiếm
Dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô tới các cửa hàng để mua vàng, trước nhu cầu tăng cao, các thương hiệu đã hạn chế số lượng mua, cả vàng miếng và nhẫn trơn.
Giá vàng trong nước đang ngày trở nên đắt đỏ dù NHNN có tổ chức các cuộc đấu thầu vàng gần đây. Sau những phiên đấu thầu vàng, giá càng tăng mạnh khi nguồn cung vàng ra thị trường nhỏ giọt, không đáp ứng được nhu cầu trên thị trường.
Bên cạnh đó, tâm lý người dân kỳ vọng giá lên đã đổ xô mua vàng, trong khi không bán ra càng khiến giá vàng trong nước tăng nóng. “Theo thị trường giờ là thời điểm mua vàng vì càng ngày tăng, không tăng thì để đó. Giống như hôm nay lên đến 92 triệu, tôi nghĩ vàng sẽ còn lên”- một người mua vàng nói.
Một khách nam khác mua vàng trên phố Trần Nhân Tông nói: “Từ đầu năm đến nay, vàng sinh lời tới 25%, tốt nhất trong số các kênh đầu tư như chứng khoán, gửi tiết kiệm hay trái phiếu”. Bên cạnh đó, từ quan sát lượng giao dịch, quan tâm tới vàng, anh tin rằng cơn sốt này sẽ còn kéo dài, giá chưa giảm ngay.
Giới chuyên môn đánh giá, việc giá vàng miếng SJC tăng liên tục là do tâm lý thị trường. Trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư còn e ngại sự can thiệp của NHNN sẽ kéo giá vàng đi xuống nên còn e ngại khi mua. Tuy nhiên, sau khi đấu thầu, lo ngại này không còn vì sau mỗi phiên đấu thầu giá vàng lại bị đẩy lên một mức kỷ lục mới.
Không đặt nhiều kỳ vọng tăng cung vàng nhờ đấu thầu, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế".
“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Việc giá vàng tăng "nóng", xô đổ mọi kỷ lục trong thời gian qua và có mức "chênh" lớn so với giá vàng thế giới, ông Nghĩa cho rằng ngoài lý do nguồn cung chưa có sự thay đổi nào, một lý do khác đó là việc “độc quyền ” không cho nhập khẩu của cơ quan quản lý.
Đồng quan điểm, ông Trương Văn Phước - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung là làm sao có thể để người dân tiếp cận loại tài sản với một mức giá chấp nhận được. “Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thể tính đến cách tiếp cận coi vàng là hàng hoá thông thường được người dân nắm giữ và không lo vàng hoá nền kinh tế” - ông Phước nói.