Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng kết thúc năm cao chót vót, chờ sôi động ngày Thần tài

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng đã liên tục tăng trong năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục trên 2.000 USD/ounce, rồi giảm xuống vùng giá 1.700 USD/ounce vào 2 tháng cuối cùng của năm 2020 trước những đột phá trong việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19... Giá vàng trong nước những ngày gần đây chỉ bám sát giá vàng thế giới ở chiều đi lên, còn ở chiều ngược lại thì giảm rất chậm.

Năm 2020, thị trường vàng trong nước đã trải qua một năm bùng nổ, có thời điểm ghi nhận giá vàng tăng mạnh tới mức 62 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử. Dù đóng cửa năm ở mức 56 triệu đồng/lượng, thấp hơn gần 10% giá đỉnh, giá vàng SJC vẫn ghi nhận tăng 33% năm qua (tương đương với mức tăng 13,5 triệu đồng/lượng). Đây là mức tăng kỷ lục.
 Ảnh minh họa
Bước sang năm 2021, cụ thể trong tháng 1 năm 2021, giá kim loại quý tăng 600.000 đồng/lượng. Trong tháng 2 giá vàng diễn biến theo hướng tăng, giảm đan xen. Sáng 11/2 (ngày 30 Tết Tân Sửu), giá mua vàng miếng hiệu SJC là 56,85 triệu đồng/lượng và bán ra 57,35 triệu đồng/lượng. So với ngày hôm trước, giá vàng tăng thêm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trên thế giới, vàng đã trải qua 2 đợt sóng năm 2020 vào tháng 3 và tháng 8 giữa thời điểm khủng hoảng về kinh tế diễn ra. Nhưng sau đó, khi chính phủ nhiều nước đưa ra các biện pháp hỗ trợ mạnh đã giúp thị trường tài chính ổn định lại và đẩy giá vàng xuống dưới 1.900 USD. Bên cạnh đó, khi giá vàng tăng lên quá cao, xu hướng chốt lời bắt đầu xuất hiện và là một trong những nguyên nhân khiến giá giảm liên tục từ tháng 8/2020 đến nay. Theo các chuyên gia, giá vàng có thể tăng năm 2021 nhưng có vượt được mốc 2.000 USD hay không tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng lớn đến đâu và tâm lý nhà đầu tư thế nào.
Tuy nhiên, khi kết thúc phiên giao dịch ngày 11/2 (ngày 30 Tết Tân Sửu, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay theo Kitco là 1.823 USD/ounce, giảm gần 20 USD so với ngày hôm trước. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm khoảng gần 50$, tương đương 2,6%. Sức cầu suy giảm khi nhiều nước tại khu vực châu Á đã bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng miếng SJC tại Việt Nam cao hơn thế giới 6,15 triệu đồng. Giá vàng thế giới sụt mạnh, có lúc xuống dưới ngưỡng 1.790 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn neo cao do gần đến ngày Thần tài. Đây cũng là mức chênh kỷ lục kể từ thời điểm giữa năm 2020 đến nay. 
Theo các chuyên gia, sở dĩ có hiện tượng này là do sức mua vàng từ người dân tăng lên do gần đến ngày Thần tài (mồng 10 tết) - là thời điểm mà người dân mua vàng để cầu may làm ăn phát tài, sung túc cả năm. Những năm gần đây, sức mua vàng thường tăng lên từ thời điểm cuối năm và kéo dài sang đến những ngày sau Tết vì quan niệm "cứ đầu năm mua vàng là may" chứ không chờ đến ngày mùng 10. Do vậy các công ty vàng neo giá vàng ở mức cao chứ quyết không giảm theo đà biến động của giá vàng thế giới. 
"Theo quan sát của tôi trong nhiều năm, giá vàng trước và trong ngày vía Thần Tài thường được đẩy lên rất cao một phần nhờ nhu cầu vàng trong ngày này tăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các tiệm vàng đẩy giá. Vì vậy, không có gì đảm bảo là kinh doanh vàng không thua lỗ vào ngày này vì còn phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giá mua - bán vào ngày vía Thần Tài", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Do mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao nên sẽ rủi ro rất lớn cho người mua vàng ở thời điểm này vì rất dễ "mua cao bán thấp".
Thực tế trong những năm qua, giá vàng trong ngày Thần Tài thường cao hơn so với giá trị thực tế khoảng 3 - 5%. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước đồng loạt thông báo nghỉ Tết Nguyên đán và sẽ khai xuân vào mùng 6 tháng Giêng, mong chờ một năm tài chính “khởi sắc” cho tài sản kim loại quý này. Năm nay do tình hình Covid nên hoạt động bán hàng online sẽ được triển khai thông suốt nhằm mang lại sự tiện lợi cho khách hàng.